NGUYỄN KIM HUY
PHẠM PHÚ HẢI – THI NHÂN ĐẾN TỪ THẾ GIỚI KHÁC…
(Đọc “Phạm Phú Hải – Tác phẩm và dư luận”. NXB Đà Nẵng – 2022)
Tuyển tập “ Phạm Phú Hải – Tác phẩm và dư luận” vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 12.2022 sau một thời gian dài phối hợp cùng gia đình tổ chức sưu tập biên soạn bản thảo. Bìa với chân dung nhà thơ khá ấn tượng do hoạ sĩ Nguyễn Thiên Chương trình bày. Sách dày 450 trang khổ 15.24 gồm hai phần – 1.“Tập thơ Thâm lâm ngâm và thơ rời” và 2. “Hồi ức và dư luận” viết về thơ và kỷ niệm với nhà thơ Pham Phú Hải của những người bạn yêu quý anh…
Đọc Tuyển tập, có thể nhận ra Phạm Phú Hải (1950 – 2009) là… một thi nhân đến từ thế giới khác. Anh sống trong thế giới này với tâm thức của thế giới khác: “một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm/ không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm/tôi đang sống/ trong mùa phương không tên gọi đó” (Không đề) với tâm thế vũ trụ đồng điệu: “mặt tôi/ nhìn thẳng/ mặt người – mặt trăng/ mặt đất/ mặt trời/ nhìn theo” (Nhìn). Thế giới của anh là cái thế giới huyễn ảo với mọi người mà rất thực, vô cùng thực với anh, và cuộc đời anh đang sống cùng mọi người chỉ là một cuộc đời rất tạm thoáng chốc qua mau: “lão già cưỡi con ngựa già/ trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi/ ngọn đồi, người, ngựa cũng trôi/ chao ôi ta thấy cuộc đời cũng mau” (Mây trắng).
Trong cái thế giới của anh, một thế giới bất khả xâm phạm và bất khả tri đối với những người bình thường như chúng ta, có rất nhiều điều kỳ lạ, kỳ lạ đến huyền diệu, thậm chí liêu trai, mà chỉ có anh mới nhận biết, mới nhìn thấy, mới cảm nhận hết và ghi lại thành thơ: “Bà già đứng tắm dưới trăng/ Trăm con rắn nhỏ vùng vằng chui ra? Bà già đứng tắm tháng ba/ Chất xuân run rẩy giữa da thịt cằn”
(Bà già tắm ). Thế giới ấy có những con người: “ Tự rút xương làm gậy chống đi/ Lột da chân mà kết làm giày/ Bứt ngàn sợi tóc đan làm mũ/Nấu chín thời gian uống thật say” (Uyên viên – tặng sư Tâm Đức)
Là thế giới anh bắt gặp vượn ngồi ngây ngất trong cơn đau rừng rú (Rừng rú), đom đóm hát cùng lâu la (Trăng đêm không trắng), cá hồi dương lội ngược chiêm bao (A, AA, AAA, AAAA, AAAAA, …), ông tì khưu bay lên cao (Cồi máu), thằng câm nằm mộng giận người (Thằng câm), ông cụ mù chín chín tuổi trời to gan nửa đêm mồi đèn khẽ hát (Ông cụ mù), tiên nữ buồn mất cánh, sư nữ buồn mất áo, thi sĩ buồn mất ý (Buồn như)… Thế giới có óc diêm vương chảy lạnh lùng (Sầu như bia mộ), xương thơm cứng trở mềm (Xương thơm), có hạt cát điếc vẫn câm lời dưới chân (Hạt cát điếc), đất trời cũng chỉ là thứ lèm nhèm khi bão mưa như thằng điên lộn đầu (Mưa bão), có rượu anh ngâm vài lượng da trời để mời tri kỷ cùng uống cho say (Cho lênh đênh theo thời gian)…
Là thế giới: “Có bàn chân dài hơn con đường/ Nên chân trời là những đốt xương/ Của ai bỏ lại ngàn năm trước/ Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường” (Thi sĩ) .Ở cái thế giới lạ thường ấy, anh “đứng co trên mặt đồi cong” nghe hơi thở đi vòng (Đêm mù trăng), thấy hồn mình “treo rất mỏng/ Nhìn thấu qua bên kia/Nhìn thấu suốt đêm khuya” (Trăng băng), và anh “chân này bước lộn vào mồ chân kia” (Soi) để tìm: “thơ. con chim nhỏ gãy chân/ con chim lạc giữa một rừng ngón tay” (Tìm).
Nhưng dẫu tâm trí luôn ở trong cái thế giới dị thường ấy, anh vẫn biết ơn cõi tạm cuộc đời này đã cho thân anh trú ngụ. Anh biết ơn những bậc sinh thành, lo sợ một ngày cha mẹ ra đi qua chùm thơ viết về Cha, mẹ. Và anh yêu, có nhiều bài thơ viết về tình yêu, những bài thơ khắc khoải say đắm vô lượng mà anh là một người yêu tận cùng, yêu thầm lặng, yêu tuyệt vọng, yêu chung thủy, yêu không cần đền đáp, yêu chỉ để gởi lại trong thơ và nguyện cầu cho người mình yêu được xinh đẹp, được vui sống được hạnh phúc… Yêu trong tâm thế riêng, cách thể hiện riêng, nghẹn ngào mà mãnh liệt, lặng lẽ mà nồng nàn, như yêu cái đẹp, yêu con người, yêu cuộc sống theo cách rất riêng của anh, trong những kỳ vọng anh hằng hướng tới khi anh đối diện cái thế giới nghiệt ngã và đẹp đẽ mà chúng ta vẫn gọi là cuộc sống này. Những điều vọng tưởng lung linh huyền hoặc ấy, anh đã gởi hết vào những bài thơ về tình yêu. Những bài thơ có lúc anh tự gọi là Lời của người tình điên. Những bài thơ tình viết tặng Ngọc: “Ngọc ơi, có phải trăng là nắng/ có phải mây là nước biển khơi?” (Trao nhau)…
Bây giờ thì anh đã đi xa, rất xa nhiều năm rồi. Rất lặng lẽ, anh gởi lại cho thế giới chúng ta đang sống, một phần nào thế giới của anh, một thế giới tràn ngập âm thanh huyền diệu và những khát vọng về cái đẹp ngôn từ, triết học, thi ca… qua những câu thơ còn tìm lại được trong số trên ngàn bài thơ của anh. Đọc thơ anh, tôi luôn như thấy lại nụ cười rất hiền của anh, và thật tình, suốt những ngày sống gần gũi bên anh, tôi chưa hề nhận thấy một điều gì bất thường ở anh. Nhưng rốt cuộc lại, thì anh vẫn là người của thế giới khác, sống trong mùa thứ năm, phương thứ năm như chính anh từng một lần thổ lộ. Không biết bây giờ, đã trở về với thế giới ấy, anh có còn day dứt tìm lời giải đáp cho câu hỏi anh vẫn thường băn khoăn khi xưa không: “Bay lên thiên hà khác/ Lại hỏi lại từ đầu/ Câu hỏi sao quái ác/ Ta có là từ đâu?” (Thơ rời). Nhưng những gì anh gởi lại thì thật là đẹp, như ý nguyện anh đã có từ bao giờ:”Một mai kia khi mạch đời đã cạn/ Âm u ơi xin hãy rước tôi về/ Hãy dắt tôi bằng đôi tay mềm dịu/ Tôi sẽ cười sẽ hát giữa hôn mê”(Tiếng khóc).
Thơ anh thường được nhận định là kỳ dị. Có lẽ kỳ dị là đối với chúng ta, còn anh, chắc anh chỉ đơn giản viết ra những điều anh đã thấy, đã cảm, đã nghĩ, đã chứng ngộ và thấu hiểu trong thế giới của anh. Tiếng kêu, tiếng khóc nơi mộ bia âu yếm trong đêm mù trăng của anh cũng là những tiếng kêu tiếng khóc ở cái thế giới ấy, bình thường với anh mà dị thường với mọi người.
NKH
————–
Địa chỉ: Nguyễn Kim Huy – Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, Số 03 Đường 30 Tháng 4 – TP Đà Nẵng; ĐT: 0913405405, email: kimhuy1962@gmail.com