“Đòi lại Hoàng Sa là cuộc chiến đấu về ý chí và trí tuệ”

Còn nhớ vào năm 2014, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa (1974 – 2014), có một hội thảo đã diễn ra tại khách sạn Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), các học giả ngoài việc trao đổi các vấn đề liên quan đến tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đã đề nghị Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tăng cường nghiên cứu, thực hiện có chất lượng các “xuất bản phẩm” về chủ đề này vì các công bố tính đến thời điểm hiện tại của Việt Nam quá ít.

Chung nỗ lực vào chủ đề sách biển đảo cùng các nhà xuất bản trên cả nước những năm qua, Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã tổ chức biên soạn, phát hành tập sách “45 năm Hải chiến Hoàng Sa” nhằm mục đích có thêm một xuất bản phẩm, với những thông tin có giá trị, thể hiện tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm bản đồ, các nhà báo trong và ngoài nước…, góp tiếng nói đanh thép, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Có thể với góc nhìn của một số nhà nghiên cứu, tập sách có thông tin không mới, nhưng có thể khẳng định rằng, tập sách đã hệ thống hóa các bài viết tập trung khẳng định chủ quyền, thể hiện sự quản lý tiếp nối của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1954 – 1975, trong đó có nêu sự kiện Hải chiến Hoàng Sa tháng 1.1974 thông qua tư liệu thành văn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đường thời, có giá trị lịch sử và pháp lý cao. Như thông cáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với sự kiện liên quan trực tiếp đến việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974, nhằm bác bỏ những thông tin thiếu căn cứ, chưa đúng bản chất vấn đề về sự kiện này, cả về phía Trung Quốc và một số nhà nghiên cứu ở nước ngoài. Qua đó, tập sách có nhiều ý nghĩa đối với độc giả hiện nay.

Với thông tin trong tập sách, một lần nữa khẳng định các chính quyền của Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn quan tâm và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Cùng các bài viết về những tấm lòng hướng về Hoàng Sa sẽ có tác dụng động viên, cổ vũ những nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhân dân cả trong và ngoài nước… tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ tài liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là khi hiện nay Nhà Trưng bày Hoàng Sa đang kêu gọi, vận động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.

Tôi tâm đắc chia sẻ của tác giả Phạm Thanh Vân trong bài viết “Nuôi chí giành lại Hoàng Sa” trong tập sách này, với ý: “Đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến đấu về ý chí và trí tuệ”. Vâng, cuộc chiến đấu này đòi hỏi sự bền bỉ cùng với sự hiểu biết về tình hình diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới và đấu tranh dựa trên các quy định theo công pháp quốc tế. Việc xuất bản ấn phẩm này chính là thể hiện một sự  kiên trì, hòa bình trong ý nghĩa đó.

 CHÂU AN