Trẻ em thời nào cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể – ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế, trong các trò chơi đồng dao – một loại trò chơi dân gian – không có chỗ cho trò chơi “một mình”/“độc diễn”, kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao – chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá.
Trẻ em thời nào cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể – ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế, trong các trò chơi đồng dao – một loại trò chơi dân gian – không có chỗ cho trò chơi “một mình”/“độc diễn”, kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao – chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá. Ngay khi chơi cầu lông hoặc bóng bàn, thường trẻ em cũng thích… đánh đôi hơn đánh đơn – mặc dầu đánh đơn đã là chơi cùng nhau.
Đó là chưa kể tham gia những trò chơi tập thể đông vui ấy – kể cả các cuộc chơi cờ tướng hoặc cờ vua mặt đối mặt giữa hai kỳ thủ nhỏ tuổi – không chỉ có các người-chơi-trẻ-em mà còn có các người-xem-trẻ-em/cổ-động-viên-trẻ-em. Chính vì thế, hiện tượng nhiều trẻ em thời nay suốt ngày cứ ngồi cắm mặt vào màn hình máy tính bảng hoặc vào điện thoại thông minh để một mình chơi game là hoàn toàn xa lạ với niềm vui được chơi cùng nhau trước sự reo hò cổ vũ của bạn bè đồng trang lứa…
Chơi bóng thì phải có bóng và sân bóng – kể cả quả bóng bàn và bàn bóng bàn nhỏ hơn nhiều so với quả bóng và sân bóng dành cho bóng chuyền/bóng rổ/bóng đá. Trong khi đó, sân chơi dành cho trò chơi đồng dao cơ động hơn nhiều – chỉ cần một khoảng không gian đủ rộng cho cả người-chơi-trẻ-em và người-xem-trẻ-em/cổ-động-viên-trẻ-em. Dụng cụ trong các trò chơi đồng dao cũng đơn giản và dễ tìm, nhiều khi chính là chân hoặc là tay của các người chơi.
Có trường hợp người chơi dùng vừa tay vừa chân làm dụng cụ – chẳng hạn trong trò chơi Đi chợ về chợ có hai em ngồi lần lượt duỗi chồng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi hai em khác vừa đi qua đi lại rồi nhảy qua nhảy lại vừa hát bài đồng dao Đi chợ về chợ có ca từ tương thích với từng động tác duỗi bàn chân, chụm bàn tay hay xòe bàn tay… Đương nhiên “dụng cụ” khiến chơi đồng dao khác với chơi thể thao chính là bài đồng dao mà người-chơi-trẻ-em học được từ mẹ/từ bà và chủ yếu từ các bạn chơi trong trường/trong xóm.
Cho nên học chơi trò chơi đồng dao phải bắt đầu từ việc học hát đồng dao. Các bài hát đồng dao là di sản văn hóa phi vật thể được truyền từ đời này sang đời khác với nhiều dị bản – tùy theo mỗi vùng miền. Cũng có các nhạc sĩ đương đại sẵn lòng ký âm những làn điệu đồng dao, sưu tập/biên tập lại ca từ, qua đó góp phần phổ cập đồng dao trong trẻ em. Thời buổi này phổ cập các bài hát đồng dao trong trẻ em thuận lợi hơn xưa, bởi không chỉ trên sóng phát thanh mà còn trên cả sóng truyền hình; đương nhiên lịch phát sóng phải phù hợp để khán/thính-giả-trẻ-em có thể xem/nghe mà không ảnh hưởng đến bữa ăn/giấc ngủ hoặc đến việc học.
Học chơi trò chơi đồng dao không chỉ phải biết hát đúng lời đúng nhạc bài hát đồng dao mà còn phải biết chơi đúng cách chơi – biết thực hiện động tác nào trước động tác nào sau cho tương thích với ca từ, rồi biết thế nào thì thắng thế nào thì thua, thế nào thì được thưởng thế nào thì bị phạt. Đó là chưa kể những người-chơi-trẻ-em cần phải có đầu óc tổ chức để rủ bạn chơi cùng, cũng như cần có tinh thần đồng đội để có thể cùng chơi…
Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, nhưng trò chơi đồng dao do dễ chơi – không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc – nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại. Đương nhiên sở thích của người-chơi-trẻ-em thường đa dạng: có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; ngay cùng thích chơi thể thao nhưng có em thích bóng bàn, có em thích bóng đá, thậm chí có em thích đánh cờ; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích Dung dăng dung dẻ, có em thích Tập tầm vông… “Nhân sinh quý thích chí”, chơi cũng không ngoại lệ, có điều các bậc phụ huynh ở nhà và nhất là thầy cô ở trường hoàn toàn có thể định hướng và “truyền lửa” nhằm tạo cho trẻ em hứng thú cần thiết đối với các trò chơi đồng dao vốn bình dị bình dân và do vậy mà rất bình đẳng – ai cũng được chơi và ai cũng chơi được, bởi chơi thể thao còn đòi hỏi sự khổ luyện và thậm chí đòi hỏi năng khiếu, chứ còn chơi trò chơi đồng dao bài hát thì dễ nhớ dễ thuộc, cách chơi thì dễ biết dễ quen, chỉ cần có một tinh thần đồng đội và một tấm lòng đồng điệu…
Đương nhiên, dễ nhớ dễ thuộc đến mấy thì cũng cần biết nhạc và lời của từng bài đồng dao để hát cho đúng lời đúng nhạc; dễ biết dễ quen đến mấy thì cũng phải được hướng dẫn chơi cho đúng cách chơi. Và vì vậy, trẻ em đương đại rất cần những tập sách như Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh mà bạn đọc đang có trên tay. Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là một thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý.
Ðó là chưa kể được sinh ra và lớn lên ở nông thôn Bắc Bộ từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Trịnh Tuấn Khanh có những năm tháng tuổi thơ từng mê mải với không ít trò chơi đồng dao và nhờ vậy mà hiểu biết về trò chơi đồng dao của Trịnh Tuấn Khanh còn là sản phẩm của một quá trình tự trải nghiệm. Ðó là chưa kể lợi thế của một người làm văn nghệ truyền hình cũng giúp Trịnh Tuấn Khanh có điều kiện thâm nhập thực tế trò chơi dân gian nói chung, trò chơi đồng dao nói riêng, nhất là có điều kiện gần gũi học hỏi với nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này…
Với sự ngưỡng mộ sâu sắc về tâm huyết mà nhiều năm qua nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã dành cho văn hóa văn nghệ dân gian và đặc biệt đã dành cho trẻ em và cho một loại hình trò chơi của trẻ em thấm đẫm chất dân gian là trò chơi đồng dao, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa tập sách Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa mới ấn hành.
BÙI VĂN TIẾNG – Chủ tịch LHH các Hội Văn học Nghệ thuật Tp Đà Nẵng