Hội Xuất bản đề nghị đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của nhà trường với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, và trung học phổ thông có nhiều cấp học từ ngày 6/5 đến hết ngày 6/7.
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường phổ thông cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông nhiều cấp học bổ sung một điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với điều lệ hiện hành. Đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hoá đọc”.
Hội Xuất bản Việt Nam đã gửi ý kiến góp ý cho dự thảo trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, thầy cô giáo và học sinh.
Có nhiều nội dung kiến nghị, hầu hết ý kiến đóng góp tập trung “Đưa tiết đọc sách vào thời khoá biểu chính khoá của nhà trường trong việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ Trường Tiểu học và Điều 16 trong Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông nhiều cấp lớp”.
Cô giáo Hoàng Hiền hướng dẫn học sinh đọc sách trong dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”. |
Trước đó, dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra, có một số điểm liên quan phát triển văn hóa đọc.
Cụ thể, điều 26 của Dự thảo Điều lệ trường tiểu học về Xây dựng và phát triển văn hóa đọc, quy định:
1. Xây dựng và phát triển văn hoá đọc, thói quen đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường. Tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện.
2. Thực hiện đa dạng các hình thức thư viện, khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện và nhu cầu. Trang trí, sắp xếp thư viện thân thiện, sinh động, phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
3. Thường xuyên bổ sung sách, báo và các nguồn học liệu, bao gồm cả bằng tiếng nước ngoài, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận sách và nguồn học liệu; có thể luân chuyển sách giữa các lớp, điểm trường.
4. Hướng dẫn học sinh tự quản các hoạt động thư viện tại lớp, trường.
5. Thực hiện hiệu quả công tác xã hội hoá, huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và tổ chức hoạt động của thư viện; thường xuyên tổ chức quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện.
Điều 16 quy định: Phát triển văn hóa đọc của Dự thảo Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông có nhiều cấp học:
1. Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.
2. Trường trung học có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc và phát triển kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh.