Khúc bi tráng ‘không có trong sơ yếu’

Tròn 30 năm sau tập sách đầu tiên “Cát xanh” (1994), trong những ngày tháng Ba lịch sử của vùng đất Quảng anh hùng, nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ ra mắt cuốn sách “Cuộc tình vùng đất lửa” (NXB Đà Nẵng, 2024). Vẫn với sở trường là bút ký chiến tranh cách mạng, nhưng lần này tác giả tập trung nhấn mạnh đến những “chuyện ngoài sơ yếu” – là những câu chuyện tình đầy bi tráng trong chiến tranh.

Nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ tại buổi ra mắt sách
Nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ tại buổi ra mắt sách “Cuộc tình vùng đất lửa”. Ảnh: A.Q

Trong tập sách dày dặn hơn 400 trang với 31 câu chuyện này, từ những gương mặt nổi tiếng của xứ Quảng đến mỗi con người bình dị thời chiến tranh cách mạng hiện lên với những góc độ khác nhau. Ở đó, trong gian khổ, đau thương, tình đồng chí, đồng đội, quân dân đến tình vợ chồng, tình yêu đôi lứa đôi… hiện lên thật sinh động, bình dị mà sâu sắc.

Nỗi đau giấu tận đáy lòng

Nhà văn Hồ Duy Lệ tâm sự, những “góc khuất” được giấu tận đáy lòng của mỗi nhân vật, được ông tiếp cận và trải lên trang viết để người đọc có một cái nhìn đời thường hơn sau những lấp lánh của hình tượng anh hùng chiến tranh.

Đó là chuyện tình của Mười Chấp và bà Tiến, khi bà Mỹ – vợ ông, tập kết ra Bắc. Lúc nhận được lá thư dài trên 10 trang giấy pơ-luya, Mười Chấp đọc đi đọc lại hai lần. Bi kịch của người anh hùng cũng lộ rõ “Mười Chấp không sợ súng đạn ác liệt của kẻ thù, những giọt nước mắt của đàn bà, nhiều lần làm ông trầm ngâm, suy tư. Trong chiến trận khốc liệt, ông đã vượt qua bao phen thập tử nhất sinh, bằng trí thông minh, bằng lòng dũng cảm, bằng sự lanh trí đột biến khi gặp sự cố – một con người thật mà nghe như huyền thoại. Nhưng cái “ma trận đàn bà”, thì ông không thể dùng kinh nghiệm đã từng đối phó với kẻ thù mà bằng tình cảm đầy yêu thương, gỡ dần, xoa dịu” (Mười Chấp)…

Chuyện tình người anh hùng Năm Dừa càng lâm ly hơn. Trước khi đến với người vợ chính thức là cô Nguyễn Thị Hạnh được tổ chức cưới xin đàng hoàng năm 1968, ông đã có một đứa con gái tên Thông với Sáu Lụa vào năm 1959. Bi kịch là sau đó, “Sáu Lụa cắn răng chịu tiếng thị phi, nhắm mắt cho Xã trưởng Phạm Hóa nằm trên bụng ngõ hầu mua đường vắng và cứu cha thoát khỏi nhà giam và sự hăm he của những tên đục nước béo cò trong mâm Hội đồng xã Điện Nam.” Từ đó, Sáu Lụa có hai đứa con: “Con gái là con của Năm Dừa  – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con trai là con của một Xã trưởng tiếp tay cho bình định, phượng hoàng – lớp tay sai được Mỹ đào tạo có nợ máu với nhân dân”… (Trang đời).

Phía sau thi phẩm “Bão” của nhà thơ Tế Hanh, nhà báo Hồ Duy Lệ gợi lại cho người đọc một trang đời đẫm nước mắt. Trong thời đoạn lịch sử giao thoa của công cuộc kháng Pháp và chống Mỹ, thi sĩ đất Quảng Ngãi Tế Hanh và cô gái xứ Quảng Nam Hà Phụng cưới nhau năm 1947; mùa xuân năm 1950, cô con gái đầu lòng Ý Nhi của họ ra đời. Oái ăm thay, Hà Phụng không thể đưa đứa con gái ốm yếu ra vùng tự do kháng chiến, nên đến năm 1953, Tế Hanh được Phó Bí thư Bình Định giới thiệu cô Lâm Yến là cán bộ Phụ nữ Bình Định. Biết tin Tế Hanh có vợ, cô Hà Phụng gặp, tìm hiểu và nhận lời cầu hôn của thầy Trần Thanh Dung, Hiệu trưởng Trường Phan Thanh Giản (Đà Nẵng). Năm 1957, nhà thơ Tế Hanh viết bài thơ “Bão” như tiếng lòng đau xé của mình: “Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng Em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi”… Cho đến sau 1975, một lần từ Hà Nội về Đà Nẵng, Giáo sư Hoàng Châu Ký đưa nhà thơ Tế Hanh đến nhà thăm mẹ con cô Hà Phụng. “Đó là lần duy nhất” (Những cơn bão lòng thổi mãi).

Sáng mãi tình người

Thế nhưng, trong nỗi đau đầy bi kịch đó, ta vẫn thấy những hình ảnh thật dễ thương, lãng mạn và đầy ắp tình người. Đặc biệt, hình ảnh về sự hy sinh của người dân trong thời chiến tranh được nhà báo Hồ Duy Lệ khắc họa một cách xuyên suốt và đầy ắp trong cuốn sách. Trong bi kịch của đời mình, từ một Bí thư Thị ủy Hội An, trải qua 17 năm tù đày “địa ngục trần gian” của địch, về với cách mạng, Nguyễn Kim Khánh thành người bảo vệ kho cho trạm vật tư phế liệu, nhưng ông vẫn luôn đau đáu về những người dân đã chở che cho mình thời gian khổ, hiểm nguy. Khi gặp bà già nhặt phế liệu, ông quyết định cho bà tấm ri sắt, bởi ông “bỗng nghĩ đến mấy bà cơ sở từng nuôi giấu Kim Khánh trong nhà thời đen tối, khó khăn.”

Hay như Trần Thận, giữa trưa, khi địch bao vây tứ phía, ông vòng vào trong gia đình anh chị Quyển. “Vào nhà, vừa lách vào trong buồng, tạm thời tránh bọn chúng, nhìn thấy Trần Thận thì chị Quyển ngồi dậy, đứa bé khóc oe oe, mùi dầu xông đẻ thơm nồng. Chị Quyển nói, anh nằm tạm ở đây, tôi đắp chiếu lại, bọn chúng đi qua rồi sẽ tính. Thế là Trần Thận nằm bên trong cháu bé sát cái phên tre” (Đi họp Tỉnh ủy).

Trong “Cuộc tình vùng đất lửa”, giữa sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và đời sống riêng tư của mỗi người, người đọc luôn thấy vẻ đẹp của nỗi đau từ sự hy sinh vô bờ bến như vậy. Bởi, như tác giả Hồ Duy Lệ thổ lộ: “Thông điệp của tôi khi viết cuốn sách, đó là quý mảnh đất này, yêu mảnh đất này để ta sống tốt hơn. Yêu con người này để ta vượt qua tất cả!”

ANH QUÂN

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202403/khuc-bi-trang-khong-co-trong-so-yeu-3969125/index.htm?gidzl=Qa_l5R_VlXzeL-mRkSE-6sfHx1gaa-mR9mFg6QEMwqbq2RePzPczIt4Ex4tqphOV9b6nIJ3WfcCpkDsw7W&gidzl=hhwCAL1zhLwkg8ueLs6jMgolZIzAOleDjA7VTHWuzGVffT9_5JpuMEcYqoaPQV5Qug3JUZR8-n91LtseNW