Nghiêm cẩn trong nghiên cứu sử Việt từ tài liệu nguồn

Nghiêm cẩn trong nghiên cứu sử Việt từ tài liệu nguồn

 ANH QUÂN
Bìa tập sách “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn”.
Bìa tập sách “Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn”.

GS. Trần Kinh Hòa sinh ngày 28/9/1917 tại Đài Trung, Đài Loan, mất ngày 19/11/1995 tại TP.Hồ Chí Minh. Ông theo học tại Đại học Keio (Nhật Bản), tốt nghiệp cử nhân năm 1942 về lĩnh vực sử Đông phương.

Giai đoạn từ tháng 3/1943 đến tháng 9/1945, theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Nhật và Pháp, ông đến Hà Nội, thực tập tại Trường Viễn Đông Bác cổ. Ở đây, ông học tiếng Việt và lịch sử Đông Nam Á; cưới vợ người Việt là bà Đặng Thị Hòa, dòng dõi danh gia Đặng Đức, làng Hành Thiện, phủ Xuân Trưởng, tỉnh Nam Định.

“Có thể nói, ông là nhà khoa học có kiến thức uyên thâm. Về ngôn ngữ, ông có thể đọc và viết tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Anh; nói được các thứ tiếng Nhật, Việt, Anh, Pháp, các phương ngữ Trung Quốc: Quan Thoại, Phúc Kiến và Quảng Đông. Đặc biệt, ông am hiểu sâu rộng lĩnh vực cổ sử Trung Hoa.

Với vốn liếng ngôn ngữ và vị thế điều hành Ủy ban Phiên dịch (Sử liệu Việt Nam tại Viện Đại học Huế – A.Q), ông đã tham khảo được nhiều tài liệu gốc trong các thư viện, các kho lưu trữ tại Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Là người Công giáo, ông dễ dàng tiếp cận các kho lưu trữ ở phương Tây…

Về kiến thức giảng dạy, kiến thức sâu rộng nhất của ông là lịch sử Đông Nam Á…”. Đó là những nhận định của TS. Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) trong bài viết “Về hoạt động của nhà Đông phương học Trần Kinh Hòa (1917 – 1995) trên đất Việt Nam” trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (90) năm 2012.

Nhờ vào sự so sánh, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác nhau cùng sự nghiên cứu nghiêm cẩn, công phu của mình, GS. Trần Kinh Hòa đưa ra được những nội dung mới, những nhận định thú vị… trong từng đề tài.

Điển hình là phát hiện trong bài viết “Đại Nam thực lục và châu bản triều Nguyễn”: “Không cần phải nói đến việc sáng tạo và phổ biến “chữ Nôm”, thì trong khi sử dụng chữ Hán, người Việt cũng không sử dụng chính tự thông dụng Trung Quốc, mà cố ý dùng những tục tự của Trung Quốc như là chính tự của Việt Nam, tâm lý này có thể nói là khá kỳ lạ”.

Trong bài viết “Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật”, không chỉ nêu những vấn đề liên quan đến chuyến đi sứ của Hà Đình Nguyễn Thuật, GS. Trần Kinh Hòa dẫn nhiều sử liệu liên quan, làm sáng tỏ quan hệ Việt – Trung – Pháp thời bấy giờ.

Như nói về quan hệ bang giao giữa triều Nguyễn và nhà Thanh, GS. Trần Kinh Hòa viết: “Theo Quang Tự hội điển, quyển 39, kỳ cống của Việt Nam đối với nhà Thanh là bốn năm một lần, nhưng trên thực tế, mối quan hệ triều cống giữa Việt Nam và Thanh triều khá lỏng lẻo, sơ sài.

Theo điều tra của giáo sư Wada Hironori, trong khoảng thời gian 49 năm kể từ năm đầu niên hiệu Gia Long (năm Gia Khánh thứ 7, 1802), triều Nguyễn ra đời, cho đến năm Tự Đức thứ ba (năm Đạo Quang thứ 30, 1850) khi phong trào Thái Bình Thiên Quốc nổ ra, Việt Nam đến Trung Hoa triều cống tổng cộng 13 lần; tuy kỳ hạn triều cống khác nhau, nhưng so với Triều Tiên triều cống 49 lần, Lưu Cầu triều cống 38 lần, Tiêm La triều cống 23 lần, thì rõ ràng việc triều cống của Việt Nam khá sơ sài, buông lỏng. Giáo sư Wada cho rằng mối quan hệ triều cống xa cách như thế, là vì triều Nguyễn có thái độ tự chủ nên mới gây khó dễ như thế”.

Hay về tên gọi của sách “Đại Việt sử lược”, sau khi phân tích các sử liệu, GS. Trần Kinh Hòa nhận định một cách chắc chắn “…rõ ràng các sử gia đời Thanh đã không chấp nhận tên sách gốc là Đại Việt sử lược, mà gạch bỏ chữ Đại và chỉ ghi tên sách là Việt sử lược.

Riêng cá nhân tôi là một sử gia theo quan điểm khách quan, bài xích chủ nghĩa nước lớn trong phương diện chính trị và văn hóa, cộng thêm thư tịch này khá gần gũi và thuận tiện để khảo sát về mối tương quan với một sử tịch triều Trần khác là Đại Việt sử ký, do đó tôi chủ trương khôi phục tên sách gốc của sách này, vì thế trong khảo cứu này tôi đều sử dụng tên gọi Đại Việt sử lược”.

 ANH QUÂN