Nhà xuất bản gắn với thương hiệu Đà Nẵng
Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng – do ông Nguyễn Văn Giai làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập đầu tiên – được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập ngày 8-8-1984, đến nay đã tròn 40 năm đồng hành với sự phát triển của Đà Nẵng – ngay từ khi thành phố này còn là tỉnh lỵ của Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến khi đã trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương.
Nhà xuất bản Đà Nẵng chú trọng công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm, thích ứng với xu thế phát triển. Trong ảnh: Ra mắt sách Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: ANH QUÂN |
Trong bài báo “Tuổi 30 NXB Đà Nẵng” đăng trên Báo Công an thành phố Đà Nẵng ngày 8-8-2014, cựu Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Hồ Duy Lệ nhớ lại: “Lúc đó cả nước có rất ít NXB. Ngay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số NXB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn cả miền Trung và Tây Nguyên không có một NXB. Chính cái thuận lợi không ai mong đợi này đã giúp anh Nguyễn Văn Giai và những cộng sự phát huy tối đa khả năng khai thác thị trường và sức sáng tạo của mình trong nghề xuất bản sách”.
Góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa đọc
Được đô thị hóa khá sớm – trở thành đô thị loại II (municipalité de 2è class) từ năm 1889, ngang cấp với Chợ Lớn và Phnom Penh – nhưng hoạt động xuất bản sách ở Tourane phát triển rất yếu không chỉ so với Sài Gòn và Hà Nội mà còn so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Đà Nẵng tự hào có nhà văn nữ Huỳnh Thị Bảo Hòa nhưng tác phẩm “Tây phương mỹ nhơn” của bà – cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một nhà văn nữ Việt Nam được in thành sách – lại không được ấn hành ở Tourane mà là ở Nhà in Bảo Tồn trong Sài Gòn (2 tập, tổng cộng 76 trang khổ 14x20cm). Lý do là ở Tourane vào năm 1927 vẫn chưa có nhà in và NXB tại chỗ – mãi đến nửa sau thập niên 1930, ở Tourane mới có NXB. Tư tưởng mới chuyên in sách cách mạng (như hai cuốn “Xã hội tư bản” và “Thế giới cũ và thế giới mới” của Phan Đăng Lưu với bút danh Tân Cương, mỗi cuốn chỉ xấp xỉ 30 trang in)…
Thậm chí đến tận năm 1975, dẫu được xem là đô thị lớn nhất miền Nam chỉ sau Sài Gòn, Đà Nẵng cũng chỉ có một NXB tư nhân là NXB Da Vàng của ông Huỳnh Khanh ở đầu đường Nguyễn Du thành lập năm 1970… Như vậy nếu không tính chi nhánh các NXB của Trung ương hoặc các địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng mang tên Đà Nẵng như Chi nhánh Đà Nẵng – NXB Chính trị quốc gia Sự thật, hay NXB Trẻ Chi nhánh Đà Nẵng… thì NXB Tổng hợp Đà Nẵng hiện nay là NXB duy nhất mang thương hiệu Đà Nẵng, góp phần quảng bá văn hóa đọc của thành phố bên sông Hàn.
Trong tham luận trình bày ở hội nghị Đọc sách toàn dân Trung Quốc lần thứ ba tổ chức tại thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam với chủ đề “Cùng nhau xây dựng xã hội tri thức và chia sẻ nền văn minh hiện đại” vào hạ tuần tháng Tư vừa qua, khi giới thiệu về văn hóa đọc của thành phố Đà Nẵng, tôi đã nhấn mạnh: “Trên con đường Bạch Đằng nằm dọc tả ngạn sông Hàn, Đà Nẵng đã hình thành Thư viện Khoa học tổng hợp từ năm 1979, được trùng tu năm 2015 với thiết kế hình một cuốn sách mở, hoạt động hiệu quả hơn 40 năm qua. Nơi đây hằng năm diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa đọc như hội chợ sách, giới thiệu sách và tổ chức giao lưu giữa tác giả với độc giả, tập trung vào ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4… Đà Nẵng có NXB Đà Nẵng – một NXB công lập được thành lập từ năm 1984 và đến nay tuy không còn là một đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vẫn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tất cả đã góp phần làm cho văn hóa đọc Đà Nẵng thêm phong phú đa dạng”.
Những thành tựu ngày càng vươn xa
Nếu như không có một NXB công lập của riêng mình suốt bốn thập niên qua, chắc rằng Đà Nẵng khó có thể cho ra mắt độc giả những cuốn sách Quảng Nam học/ Đà Nẵng học khá đồ sộ như: Thơ miền Trung thế kỷ XX; Văn miền Trung thế kỷ XX; Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX; Tuyển tập Lý luận và phê bình Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (1997-2017); Thơ Quảng Nam-Đà Nẵng 1975-1990; Văn Quảng Nam-Đà Nẵng 1975-1990; Bút ký Đà Nẵng 1997-2010; Truyện ngắn hay Non Nước; Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng; 40 năm truyện ngắn Đà Nẵng 1975-2015; Ca dao, dân ca đất Quảng; Truyện kể dân gian đất Quảng; Tập tục, lễ hội đất Quảng; Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng; Ẩm thực đất Quảng; Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ tu huyện Hòa Vang; Đà Nẵng 25 năm sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian; Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam Đà Nẵng (1975-1996); Đà Nẵng – Khát vọng phát triển và phồn vinh; Quảng Nam 550 năm hình thành và phát triển (1471-2021); Hoàng Sa, Trường Sa – Chủ quyền của Việt Nam; 45 năm hải chiến Hoàng Sa; Biển, đảo – máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc; Phạm Phú Thứ toàn tập; Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới; Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập; Tuyển tập Hoàng Châu Ký, Tuyển tập thơ Khương Hữu Dụng, Tuyển tập thơ văn Võ Quảng, Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, Nguyễn Văn Xuân – 22 truyện ngắn trước năm 1945, Đất Quảng trong lịch sử – Tư liệu và nghiên cứu, Đà Nẵng những ngày tháng cũ & những câu chuyện miền Nam giai đoạn 1954-1975, Nam Ô và những chuyện kể…
Đương nhiên thành tựu của NXB Đà Nẵng trong bốn thập niên vừa qua cũng không dừng lại ở những ấn phẩm “cây nhà lá vườn” trong phạm vi Đà Nẵng – hay rộng hơn chút nữa là trong phạm vi đất Quảng nói riêng, miền Trung nói chung – mà còn nỗ lực vươn ra năm châu bốn biển. Có thể nói các ấn phẩm dịch từ tiếng nước ngoài của NXB Đà Nẵng từ khi thành lập tới nay cũng rất phong phú và đầy hấp dẫn, chẳng hạn các cuốn sách triết học của François Jullien: Xác lập cơ sở cho đạo đức – Đối thoại giữa Mạnh Tử và một triết gia phái Ánh sáng; Bàn về tính hiệu quả; Bàn về cái Nhạt – dựa vào tư tưởng và mỹ học Trung Hoa; Minh triết phương Đông và triết học phương Tây; Bàn về chữ Thế…; hay tác phẩm của André Chieng phái sinh từ các cuốn sách François Jullien – Bàn về thực tiễn của Trung Hoa cùng với François Jullien; hay cuốn Ludwig Wittgenstein – Bài giảng và trò chuyện về mỹ học, tâm lý và niềm tin tôn giáo; hoặc cuốn Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn của nhà Việt Nam học Trần Kinh Hòa, và đặc biệt là các tác phẩm văn chương nước ngoài danh giá như ba thi phẩm Bầy chim lạc; Mùa hái quả; Người thoáng hiện của thi hào Ấn Độ Gurudev Rabindranath Tagore – chủ nhân giải Nobel văn chương năm 1913, như tiểu thuyết Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ của nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexandrovna Alexievich – chủ nhân giải Nobel văn chương năm 2015, như tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của nhà văn người Áo Peter Handke – chủ nhân giải Nobel văn chương năm 2019, và còn nhiều tác phẩm khác nữa…
Một số ấn phẩm của NXB Đà Nẵng đã được vinh danh: tại giải thưởng Sách Việt Nam năm 2010, cuốn Tập tục lễ hội Đất Quảng(tập III Tổng tập Văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng) đoạt giải Đồng “Sách Hay” và truyện ký Chuyện ở miền cát cháy được trao giải Đồng “Sách Đẹp”; bộ sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập – giải Vàng “Sách Hay” 2011; cuốn Đà Nẵng đẹp – giải Bạc “Sách Đẹp” 2012. Trong ngày hội Sách năm 2016, bộ sách Phạm Phú Thứ toàn tập đoạt giải Vàng ở hạng mục “Sách Hay”. Tại giải thưởng Sách quốc gia năm 2023, sách Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam đoạt giải C. Cuốn Việt Nam – hôm nay và ngày mai thuộc hạng mục “Sách nghiên cứu” và cuốn Kinh tế Nhật Bản, giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 thuộc hạng mục “Sách kinh tế” cùng đoạt giải Sách Hay năm 2022 của Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu. Hay tại giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, sách Hồ Chí Minh – Vĩ đại một lãnh tụ cách mạng đã đoạt giải C…
* Qua bốn thập niên gắn với thương hiệu Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của thành phố. Nhất định NXB Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố thực sự đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư. Để duy trì và phát triển NXB Đà Nẵng, rất mong trong thời gian tới, cơ quan chủ quản của NXB 40 năm tuổi này sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về nhân lực và nguồn lực tài chính, cũng như sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm tạo chuyển biến thực sự trong hoạt động xuất bản – cả trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
BÙI VĂN TIẾNG