Ra mắt tập sách “45 năm hải chiến Hoàng Sa”

Nhằm góp phần hữu hiệu vào việc tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta hiện nay, nhất là giúp chúng ta hiểu hơn, yêu hơn mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, NXB Đà Nẵng vừa tổ chức biên soạn, xuất bản và ra mắt tập sách “45 năm Hải chiến Hoàng Sa”. Sách dày hơn 230 trang, khổ 14,5×20,5 cm, với sự góp mặt  bài vở của hơn 20 tác giả là các nhà nghiên cứu, nhà báo tâm huyết trong và ngoài nước.

Bìa sách “45 năm Hải chiến Hoàng Sa”.

Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng một cách bất hợp pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã diễn ra hơn 45 năm và trong suốt thời gian này mặc dù Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng luôn kiên quyết, kiên trì, liên tục đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa với nhiều hình thức theo công pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo đó, tập sách “45 năm Hải chiến Hoàng Sa” là một trong những công trình của NXB Đà Nẵng thực hiện khá công phu góp phần thực hiện tốt Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển đảoViệt Nam giai đoạn 2018- 2020.

Ở phần1 của tập sách, bao gồm các nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời kỳ 1954-1975 và Hải chiến Hoàng Sa 1974. Cụ thể, ở bài viết “Sự quản lý liên tục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa”, PGS. TS Ngô Văn Minh đã hệ thống lại các quá trình hoạt động, quản lý của chính quyền lúc này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó gồm các bước: Thiết lập đơn vị hành chính; Lưu quân trấn giữ; Các hoạt động quan trắc khí tượng, khai thác nguồn lợi kinh tế; Phản ứng trước hành động tranh chấp chủ quyền và chiếm đảo của Trung Quốc. Cũng theo tác giả Ngô Văn Minh, trong suốt thời gian tồn tại của mình, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam và có sự quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến khi chính quyền này sụp đổ vào ngày 30-4-1975. Và rồi liền ngay sau đó, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tăng cường công tác quản lý hành chính và không ngừng thực hiện các hoạt động đấu tranh pháp lý, ngoại giao khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như đối với quần đảo Trường Sa.

Trong bài viết “Đà Nẵng với sự kiện Hoàng Sa năm 1974”, tác giả Võ Hà nhắc lại: “Vào năm 1961, trước khi ra quyết định sát nhập Hoàng Sa thuộc tỉnh nào của miền Trung, Tổng thống Ngô Đình Diệm có công văn hỏi ý kiến: nên sát nhập Hoàng Sa vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng hay vẫn để trực thuộc Thừa Thiên. Tất cả các tòa đô chính của những địa phương đều thống nhất nên đặt Hoàng Sa thuộc vào Quảng Nam hoặc Đà Nẵng, nhất là Đà Nẵng; bởi Đà Nẵng gần quần đảo hơn Quảng Nam (cách khoảng 450km)”. Từ những ý kiến này và tình hình thực tế, quần đảo Hoàng Sa được chính quyền VNCH sát nhập vào tỉnh Quảng Nam và thành lập một xã lấy tên là Định Hải, trực thuộc Hòa Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.  Đến ngày 21-10-1969, chính quyền VNCH sát nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Chính vì vậy, khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, các đoàn thể và tầng lớp nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam đã xuống đường biểu tình phản đối, đưa kiến nghị, thư kêu gọi quốc tế can thiệp về vấn đề Hoàng Sa một cách mạnh mẽ.

Nhà trưng bày Hoàng Sa trên đường Trường Sa (Đà Nẵng).

Đặc biệt, ở bài viết” Về các tuyên bố của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974″, hai tác giả ThS. Phạm Ngọc Bảo Liêm và Tống Nhân Thành đã trình bày khá chi tiết về diễn biến trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1-1974, nêu rõ: “để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình ở quần đảo Hoàng Sa khi bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm tháng 1-1974, Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức một cuộc chiến đấu anh dũng nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”. Đồng thời, hai tác giả nhận định : “Trải qua những thăng trầm lịch sử, Việt Nam ngày nay cần thiết tiếp tục có những nghiên cứu toàn diện và đầy đủ hơn nữa về giá trị pháp lý trong các tuyên bố của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa (1-1974) nhằm kế thừa những di sản pháp lý có ý nghĩa và giá trị hết sức quan trọng trong công cuộc đấu tranh còn nhiều cam go và lâu dài, tiếp tục khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ở phần 2 tập sách  với chủ đề Hướng về Trường Sa thân yêu, gồm các bài viết thể hiện rõ tình cảm, lý trí, tâm huyết với những công việc  cụ thể của những người luôn trăn trở về chủ quyền đất nước. Trong đó, các bài viết “Nuôi chí giành lại Hoàng Sa” của Ths Phạm Thanh Vân, “Trách nhiệm với Hoàng Sa” của Đoàn Hạo Lương, “Trần Thắng – Chàng Việt kiều dành cả tuổi thanh xuân cho đất nước” của Hùng Thuật… đã thể hiện rõ tình cảm, lý trí, tâm huyết với những công việc cụ thể của những người luôn trăn trở về chủ quyền đất nước, nêu cao đồng tâm: Cuộc chiến của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến về ý chí và trí tuệ, mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay Trung Quốc. Bên cạnh đó, phần này còn có một số bài viết giới thiệu về hoạt động của Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành từ 28-3-2018 tại đường Hoàng Sa, hướng về biển đông TP Đà Nẵng, là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế.

TRẦN TRUNG SÁNG

(Nguồn dẫn: http://cadn.com.vn/news/68_225143_ra-mat-tap-sach-45-nam-hai-chien-hoang-sa-.aspx)