Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Xuất bản làm ra 25.510 cuốn (tăng 18,9%), tương ứng 397,7 triệu bản (tăng 31%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên được nêu tại Hội nghị giao ban Công tác Xuất bản 6 tháng đầu năm 2024. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội.
Số lượng sách gây bất ngờ
Nhìn lại hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm, điểm nổi bật là lượng sách tăng trưởng mạnh. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đã xuất bản 25.510 cuốn với 397,7 triệu bản (tăng 18,9% về cuốn và tăng 31% về bản).
Trong đó, sách in đạt 23.066 cuốn với 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng 29,2% về bản); sách điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với 27 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng 62,9% về bản).
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước, con số tăng trưởng về lượng gây bất ngờ. Điều này cho thấy 6 tháng đầu năm, hoạt động của ngành xuất bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Con số gần 400 triệu bản sách trong 6 tháng đầu năm đáng ghi nhận, bản thân người làm quản lý xuất bản như chúng tôi cũng bất ngờ. Điều đó thể hiện nỗ lực của các đơn vị xuất bản.
Ông Nguyễn Nguyên
Bình luận về số liệu này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bày tỏ sự ngạc nhiên. “Tăng trưởng dương ở mọi chỉ số cho thấy ngành xuất bản nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ngày càng tăng lên cùng sự quyết tâm của toàn ngành. Con số gần 400 triệu bản sách trong 6 tháng đầu năm đáng ghi nhận, bản thân người làm quản lý xuất bản như chúng tôi cũng bất ngờ. Trong bối cảnh suy thoái, số sách làm ra tăng trưởng lớn, thể hiện sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Về nội dung sách, ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản – Ban Tuyên giáo Trung ương – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành có nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn.
Đặc biệt, ngành Xuất bản tiếp tục đóng góp vào việc xuất bản các ấn phẩm có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những cuốn sách đều thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị, tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.
Cùng với sách phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện quan trọng, các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngành xuất bản làm ra nhiều ấn phẩm có giá trị về pháp luật, kinh tế, khoa học, công nghệ nói chung, chuyển đổi số, AI, bán dẫn…
Bên cạnh kết quả đó, ngành Xuất bản vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết lượng đầu sách mới chưa nhiều. “Các nhà xuất bản không mạnh dạn đầu tư cho đầu sách mới, quay về làm sách đã thành công, đã có thị trường rồi. Số lượng sách mới không nhiều là một quan ngại”, ông Nguyên nói.
Lượng nhà sách ở các địa phương cũng đang co cụm, rút bớt, đây là kết quả của thời thương mại điện tử lên ngôi; nhưng cũng là một vấn đề nảy sinh trong phát hành sách.
Chủ trương chuyển đổi số trong xuất bản đã có, tuy vậy từ chủ trương chưa tạo thành hành động mạnh mẽ và chưa thật sự tạo ra thị trường. Năm 2023, thị trường sách nói đạt khoảng 10 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,2% doanh thu, điều này chưa xứng đáng tiềm năng. Có những nhà xuất bản đăng ký tham gia xuất bản điện tử nhưng 10 tháng sau chưa ra được xuất bản phẩm điện tử nào.
Doanh thu thị trường xuất bản là một vấn đề mà ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trăn trở. Ông Lâm chỉ ra điểm bất cân đối khi lượng bản sách tăng 31%, nhưng doanh thu chỉ tăng 14% và có dấu hiệu giảm mạnh trong những tháng gần đây.
Cùng nhau gỡ khó, tìm hướng phát triển
Nhiều vấn đề của ngành xuất bản đã được nêu ra tại hội nghị. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất phương án giúp ngành sách vượt qua những tồn tại, phát triển hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng câu chuyện bao trùm các ngành hiện nay là chuyển đổi số, ngành xuất bản cũng không nằm ngoài xu thế.
Thời đại số buộc ngành xuất bản định nghĩa lại nghề của mình. Nghề xuất bản có nhiều chuỗi giá trị và các khâu khác can thiệp vào. Sự phát triển công nghệ, AI, chuyển đổi số giúp chúng ta rút ngắn nhiều công đoạn song cũng đặt ra nhiều thách thức. Với nguồn lực còn hạn chế, ngành xuất bản cần nhanh chóng nhận thức và thích nghi với xu hướng chuyển đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng thời gian đọc của người Việt nhiều, nhưng độc giả chủ yếu đọc qua điện thoại và ít đọc sách. Bởi vậy ông tin sách tinh gọn sẽ là hình thức phù hợp, phát triển. “Sách dày bày lên cao”, được để trang trọng mà ít được đọc, do đó các cuốn sách tinh gọn sẽ có không gian phát triển trong thời đại bận rộn.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, kêu gọi sự đoàn kết, chung sức của các hội viên, người làm xuất bản để tháo gỡ các khó khăn. Hội Xuất bản Việt Nam tập trung hoạt động của mình theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hội viên. Để đóng góp tốt hơn cho ngành sách, Hội Xuất bản Việt Nam đã kiện toàn các ban chuyên môn, xây dựng các trung tâm như: Trung tâm bản quyền xuất bản, Chuyển đổi số, Phát triển văn hóa đọc. Hội cũng nêu ý kiến đề xuất tham gia xây dựng, đóng góp vào chính sách, pháp luật Nhà nước về xuất bản.
“Khó, chúng ta đã kêu mãi rồi. Mỗi đơn vị trong ngành thay vì kêu, đi xin, hãy cùng nhau tìm hướng phát triển”.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn
“Khó, chúng ta đã kêu mãi rồi. Mỗi đơn vị trong ngành thay vì kêu, đi xin, hãy cùng nhau tìm hướng phát triển. Chúng ta tổng kết mô hình đơn vị làm hay, làm tốt để cùng nhau học tập; nảy sinh vấn đề, chúng ta bàn thảo để có kiến nghị… Khi đi chung, đi cùng nhau sẽ có tiếng nói mạnh mẽ”, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói.
Tổng kết hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành xuất bản đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định ngành xuất bản cần tiếp tục thực hiện mục tiêu “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Đồng thời, ngành xuất bản cần thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ông Phan Xuân Thủy nêu bật các nội dung mà ngành xuất bản cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cần triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, chú trọng đào tạo cán bộ; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của Giải; tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
(Theo: https://znews.vn/sach-xuat-ban-moi-tang-truong-manh-post1489280.html?fbclid=IwY2xjawEXyKNleHRuA2FlbQIxMQABHTCO0rRannekqOlCXaa-h02IPudxhO52JP8xoXcfJH7z-YU5RGiFG0ljbQ_aem_gLsd5vg_BcibIv6oaBZ6Hw)