Tròn 5 năm trước khi đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, vào tháng 3-1994, có người đàn ông Israel 28 tuổi bước xuống từ một chiếc xe tải Renault đời 1954 ở thị xã nhỏ của miền Trung Việt Nam này. Sau khi quan sát vài ngày, ông nói với người bạn đồng hành “Anh biết không, tôi sẽ trở lại đây, đến Hội An, để viết luận án tiến sĩ nhân học”.
Vậy là từ năm 1998, ông đã thực hiện lời hứa đó của mình với việc nghiên cứu Hội An một cách sâu sắc, nhất là trên lĩnh vực văn hóa ẩm thực, để đến năm 2012, cuốn sách “Rice Talks: Food and Community in a Vietnamese Town” của ông được NXB Đại học Indiana xuất bản. Sau đó, cuốn sách này được ông Phạm Minh Quân, Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa Việt Nam, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Chuyện cơm Hội An – Thức ăn và cộng đồng ở một đô thị Việt Nam”, do NXB Đà Nẵng và Phanbook liên kết xuất bản vào tháng 3-2024.
Ông là Nir Avieli, là nhà nhân học văn hóa, giáo sư giảng dạy tại Khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Ben Gurion (Israel), đồng thời là Chủ tịch Hội Nhân học Israel.
Một trong những điều làm nên sự đặc sắc ở cuốn sách này, chính là tác giả đã dành rất nhiều thời gian đi điền dã, tham gia trực tiếp vào các hoạt động ẩm thực. Điều kiện và hoàn cảnh lúc đó ở Hội An không được thuận lợi cho người nước ngoài như hiện nay, nhưng Nir Avieli và vợ tìm mọi cách để tiếp cận thực tế. Họ đề ra nguyên tắc “Mỗi bữa sẽ ăn ở mỗi nơi và nhận lời mời của bất kỳ ai, bất kỳ đâu, bất kỳ sự kiện nào”. Cũng từ việc chịu khó điền dã, tiếp cận thực tế, ông đã có những ghi chép tỉ mỉ, “bày tỏ trải nghiệm ẩm thực của mình bằng những câu chuyện nhỏ sinh động, duyên dáng, hài hước” như nhận định của PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
“Là một công trình dân tộc học ẩm thực về Hội An, một đô thị phồn thịnh với khoảng 30.000 cư dân ở miền Trung Việt Nam, cuốn sách này mô tả các thực hành ăn uống địa phương và phân tích các đặc điểm xã hội và văn hóa của chúng. Do đó, Chuyện cơm Hội An trước hết được dự định là một đóng góp quan trọng cho ngành nhân học Việt Nam, giải quyết tình trạng khan hiếm các nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam và đặc biệt là sự bỏ quên lĩnh vực ẩm thực phức hợp của Hội An, một đô thị cổ đã tham gia vào thương mại toàn cầu và trao đổi văn hóa trong nhiều thế kỷ” (Nir Avieli). |
Cùng với đó, Nir Avieli đúc kết văn hóa ẩm thực Hội An thành những triết lý dưới những góc nhìn khác nhau. Ví dụ, khi phân tích món canh chua theo thuyết “âm dương”, “ngũ hành”, ông cho rằng “Một món canh chua có đầy đủ các khía cạnh và cho phép chúng ta giải mã bữa cơm nhà hằng ngày của người Hội An: Dựa trên logic sinh thái dinh dưỡng hợp lý, nó có 3 thành phần thiết yếu (gạo, cá và rau), đại diện cho âm và dương (“gạo” và “đồ ăn”), và chứa đựng ngũ hành (thổ/ gạo, thủy/ canh, mộc/ rau xanh, kim/ cá, hỏa/ nước mắm)”. Hay như bàn về vai trò của người phụ nữ trong gian bếp Việt, nhà nhân học Israel cho rằng “căn bếp của người Hội An nằm giữa “tự nhiên” và “văn hóa”, đưa phụ nữ Hội An vào một không gian vào một không gian lấp lửng và lưng chừng, nơi không chỉ phản ánh và duy trì địa vị xã hội của họ – bên dưới nam giới và giữa tự nhiên và văn hóa – mà còn định nghĩa nó một cách thực tế”.
Đúc kết sau thời gian nghiên cứu về ẩm thực nói riêng và văn hóa Hội An nói chung, tác giả nhận định: “Tôi thấy lĩnh vực ẩm thực sống động của Hội An rất hấp dẫn vì nó mang lại hy vọng, sự lạc quan, và một lời hứa về hòa bình cùng những hưởng thụ về văn hóa hiền hòa, tinh tế… Trong khi cảnh khan hiếm, nghèo nàn, đói khát và tranh giành tài nguyên vẫn chưa biến mất khỏi Hội An, thì chính nỗ lực hằng ngày được đầu tư vào việc gây tạo và nuôi dưỡng, thay vì phủ nhận và phá hủy, là điều tôi thấy rất hấp dẫn tại đây”.
Khi nhìn nhận về tác phẩm này, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Chuyện cơm Hội An: Thức ăn và cộng đồng ở một đô thị Việt Nam” là một chuyên luận thú vị không chỉ đối với người nước ngoài, mà còn với người Việt Nam, kể cả người Hội An. Người bản địa vốn coi chuyện cơm nước là mặc nhiên, chuyện thường ngày ở huyện, nên không có những thắc mắc. Chỉ dưới mắt các nhà nghiên cứu, hoặc những người nước ngoài, thì cái đời thường ấy mới ánh lên những sắc thái lạ lẫm. Hơn nữa, Nir Avieli lại là một nhà nghiên cứu nhân học đã từng đọc qua nhiều lý thuyết văn hóa ẩm thực, nếm qua nhiều bếp ăn thuộc các đất nước khác nhau trên thế giới, nên cái nhìn của ông về các món ăn và người/cộng đồng Hội An vừa độc lạ vừa sâu sắc.”
ANH QUÂN
(nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202406/doc-sach-them-mot-khac-hoa-ve-van-hoa-hoi-an-3974571/index.htm)