“Viên ngọc quý” trong nghệ thuật điêu khắc Champa xứ Quảng

Đà Nẵng cuối tuần

“Viên ngọc quý” trong nghệ thuật điêu khắc Champa xứ Quảng

“Không còn tồn tại từ lâu nhưng vương quốc cổ Champa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Và trong những di sản đó, lớn nhất, giá trị nhất và cũng phong phú nhất là di sản tượng cổ… Ngay từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học đã bắt đầu công việc xâu từng hiện vật đã được phát hiện lẻ tẻ ở nhiều nơi vào một “chuỗi ngọc” tượng cổ Champa, một trong những chuỗi ngọc điêu khắc cổ đẹp nhất và giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á”.

PGS, TS Ngô Văn Doanh – người có hơn 40 năm tham gia nhiều cuộc điều tra các di tích và di vật Champa tại một số tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có cơ hội phát hiện và nghiên cứu những hiện vật và tượng cổ Champa, đánh giá như vậy trong cuốn sách “Nghệ thuật Champa – Tượng các thần Hindu giáo” (NXB Đà Nẵng, tháng 10-2023). Trong đó, PGS, TS Ngô Văn Doanh nhấn mạnh, tượng các vị thần (các thần Hindu giáo) là mảng tượng lớn nhất và quan trọng nhất của nghệ thuật Champa mới được phát hiện từ sau năm 1975. Đây chính là những “viên ngọc mới”, để ngày càng hoàn thiện thêm chuỗi ngọc tượng cổ Champa.

Độc đáo trong điêu khắc tượng thần Hindu giáo

Với việc phân loại các thần ở 3 phần: Siva và các thần Saivism, Vinus và các thần Vaisnavism cùng các á thần, tác giả đưa người đọc tiếp cận một cách có hệ thống về các thần trong thần thoại Ấn Độ; qua đó hình dung dễ dàng về phong cách nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo… tại các công trình kiến trúc của Champa.

Về tượng thần Siva, ở xứ Quảng, PGS, TS Ngô Văn Doanh có sự phân tích khá sâu trên cơ sở kết quả khai quật, khảo cổ và nghiên cứu từ trước đến nay, từ đó chỉ ra những nét đặc trưng, độc đáo của từng hiện vật. Theo đó, là những đặc trưng điêu khắc trong thời vàng son rực rỡ của vương quốc cổ Champa trên đất Quảng Nam và Đà Nẵng, với các tượng thần Siva thể hiện rõ phong cách Mỹ Sơn E.1 (thế kỷ thứ VIII), phong cách Đồng Dương, phong cách Khương Mỹ (cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X), phong cách Trà Kiệu (thế kỷ X), phong cách Chánh Lộ (thế kỷ XI)…

Hay khi tiếp cận tượng Siva Phú Hưng, tỉnh Quảng Nam (hiện trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi do cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi thu được từ một người buôn đồ cổ năm 1994), tác giả phát hiện ra rằng “pho tượng Phú Hưng là một tác phẩm điêu khắc cổ không chỉ đẹp mà còn khá nguyên vẹn, là một pho tượng độc nhất vô nhị được biết thể hiện Siva – người thầy lớn (Siva Mahaguru) của nghệ thuật Champa”.

Với tượng Siva Hội An, PGS, TS Ngô Văn Doanh nhận ra ngay ở pho tượng những nét đặc trưng rất riêng và rất lạ “mà tôi chưa hề thấy ở các tượng cổ Chăm đã được biết đến từ trước đến giờ”. Theo tác giả, khi mới được phát hiện vào năm 1989 tại khu vực Lăng Bà (Cẩm Thanh, Hội An), thì “người Việt đã bồi đắp và biến đổi pho tượng cốt vốn là nam thần của người Chăm thành pho tượng mới mang giới tính nữ: tượng Bà”. Nét đặc trưng rất riêng và rất lạ ở pho tượng này, được tác giả chỉ ra; từ “bộ râu dài nhọn đầu cùng hàng ria mép nổi cao…, trông tự nhiên và sống động hơn…, được bện lại thành những tết đuôi sam rồi thả cho tự do buông xuống”, đến “dáng đứng thẳng, ở chiếc bụng phệ chìa ra phía trước, ở bàn tay và đôi chân trần, ở chuỗi tràng hạt dài từ bàn tay phải buông dài xuống chân…”. Tác giả nhận định rằng pho tượng này có những ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng không phải từ điêu khắc Trung Hoa mà có nét giống với tượng Siva Phú Hưng.

Góp phần vào sự đa dạng, phong phú của văn hóa

Cũng giống vậy, khi nghiên cứu về hiện vật ở Miếu Bà (thôn Hạ Nông Trung, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), PGS, TS Ngô Văn Doanh ngạc nhiên vì đây “là một tác phẩm điêu khắc đặc biệt của nghệ thuật cổ Champa”. Bởi, theo tác giả, “xét về chủ đề thể hiện, lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật cổ Champa, thần Siva và vợ thần được thể hiện cùng ngồi trên lưng con bò Nandin đang nằm”; và “với những ý nghĩa về mặt hình tượng tôn giáo (hình tượng Siva – Gauri) cùng những giá trị nghệ thuật cao của phong cách điêu khắc Trà Kiệu, tác phẩm điêu khắc Miếu Bà có thể được coi là một trong những kiệt tác của nền nghệ thuật cổ Champa”. Về chiếc trán cửa thể hiện hình tượng Mahishamardini – nữ thần giết quỷ đầu trâu Mahisha, ở Chiên Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam), tác giả cho rằng là “hoàn hảo nhất về nghệ thuật”, là “tác phẩm điêu khắc đẹp nhất thể hiện Mahishamardini của nghệ thuật điêu khắc cổ Champa”…

Còn với vị thần nhân bản nhất và được biết đến nhiều nhất trong tam vị của Hindu giáo (Brahma, Visnu và Siva), tượng thần Visnu được thể hiện khá độc đáo trong phong cách Mỹ Sơn E.1; và pho tượng Vinus đứng cuối cùng của nghệ thuật Champa được biết đến là pho tượng Khương Mỹ, thuộc phong cách Khương Mỹ (đầu thế kỷ X) với những nét độc đáo riêng có của mình… Ngoài ra, tác giả cũng khảo cứu kỹ càng, có sự so sánh, đối chiếu các tác phẩm điêu khắc thần Visnu ở di tích Phú Hưng, Miếu Bà (Quảng Nam), Phong Lệ (Đà Nẵng) để chỉ ra những nét đặc trưng, độc đáo của từng tác phẩm.

Có thể thấy, với sự dày công nghiên cứu chuyên sâu của mình, PGS, TS Ngô Văn Doanh cho người đọc hôm nay hình dung về một thời đại hoàng kim của văn hóa cổ Champa, trong đó có nghệ thuật điêu khắc về các vị thần Hindu giáo trong hoạt động tôn giáo người Champa; từ đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác bảo tồn, phát huy sự đa dạng, phong phú và độc đáo của văn hóa Việt Nam hôm nay…

PGS, TS Ngô Văn Doanh, sinh năm 1949 tại Hà Nội, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2017. Ông là tác giả của nhiều tập sách về văn hóa – nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Champa như: Văn hóa cổ Champa, Champa Ancient Towers – Reality & Legent, Thành cổ Champa – Những dấu ấn của thời gian, Thánh địa Mỹ Sơn, Nghệ thuật Champa – Câu chuyện của những pho tượng cổ, Phật viện Đồng Dương – Một phong cách nghệ thuật Champa, Tháp cổ Champa, Tượng cổ Champa – Những phát hiện gần đây…

ANH QUÂN