Miền Trung qua góc nhìn nhà du ký Pháp

Miền Trung qua góc nhìn nhà du ký Pháp

Cuốn sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” mang đến nhiều tư liệu về đất và người miền Trung ở cuối thế kỷ 19, bổ sung những kiến thức từ góc nhìn của một nhà du hành phương Tây.
Bìa tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” .
Bìa tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” .

Hành trình đến An Nam

“Nằm ở vị trí trung tâm bên bờ biển An Nam, trong một tỉnh giàu có và giáp giới phía nam của vịnh Tonquin vốn thiếu các cảng xứng với danh xưng, cảng này đã luôn thu hút sự chú ý của du khách và mang lại cho nó một danh tiếng xứng đáng; nhưng phải thừa nhận rằng trong tay người An Nam, nó hầu như không có giá trị gì.

Chừng nào tình trạng này còn tồn tại, chừng nào ngoại thương vẫn phụ thuộc vào các phương tiện thuyền nhỏ hoặc thuyền mành, thì Tourane vẫn sẽ còn nhường chỗ cho cảng Kiam” (Chăm – Chiêm cảng, Đại Chiêm hải cảng: cảng thị của Quảng Nam tức là Cửa Đại ngày nay – chú thích của người dịch).

Đó là những dòng nhận định về cảng Tourane (Đà Nẵng) trong cuốn sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” (NXB Đà Nẵng và Book Hunter liên kết xuất bản năm 2023) – ký sự du hành của J.L Dutreuil de Rhins.

J.L Dutreuil de Rhins sinh năm 1846 tại Lyon, là nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp, phục vụ cho Hải quân Pháp với cương vị là một thuyền trưởng đường dài trong các cuộc thám hiểm tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, đồng thời nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ. Ông mất năm 1894 trong chuyến thám hiểm Thượng Á.

Về cơ duyên đến với Vương quốc An Nam, vào đầu năm 1876, J.L Dutreuil de Rhins được biết vua An Nam muốn có 5 thuyền trưởng để điều khiển thuyền chiến mà Pháp đã tặng.

Ông xin làm một trong những chỉ huy này và được Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chọn. Ngày 20/5/1876, ông theo đoàn khởi hành từ Toulon (Pháp) đến Nam Kỳ. Trong thời gian đợi một tháng để nhận nhiệm vụ, ông đến gặp giáo sư trường Hậu bổ Pétrus Ký để học tiếng Việt. Sau đó, J.L Dutreuil de Rhins được giao chỉ huy tàu Scorpion và ông Dufourcq chỉ huy tàu Estaing để đưa ra Huế.

Tư liệu quý

Trên hành trình này, J.L Dutreuil de Rhins ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, đồng thời khai thác tư liệu về chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa… của Vương quốc An Nam để làm rõ thêm nhiều nội dung.

Việc ghi chép cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ, chân thực và nhất là với nhiều hình vẽ minh họa sắc sảo…, cuốn sách để lại cho chúng ta những tư liệu quý giá phục vụ cho việc nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử – văn hóa của đất nước. Dĩ nhiên, J.L Dutreuil de Rhins có góc nhìn như các nhà thực dân phương Tây khác đối với vùng đất và người dân thuộc địa mà họ tiếp xúc, khám phá và đặt ách thống trị.

Chẳng hạn, J.L Dutreuil de Rhins phân tích về hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu tại Nam Kỳ thời điểm này: “Các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu vào Nam Kỳ là: kim loại, chè, vải (nhất là vải bông Anh), rượu vang và rượu mạnh, đường tinh luyện, thuốc phiện, đồ sứ, đất nung và đồ gốm từ châu Âu và Trung Hoa, dầu, bột, than, thuốc bắc, đồ hộp và thịt muối (từ Trung Hoa và châu Âu), thuốc lá và hầu hết những thứ được người châu Âu sử dụng: nước hoa, nội y, quần áo, sách báo từ Paris…

Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm: gạo, cá khô muối, muối, rau củ khố, bông vải, đường thô, da, lụa thô và tơ sợi, hạt tiêu, dầu, mỡ lợn, hạt cau, dừa, thuốc lá, chàm nhuộm, lông chim, sáp và mật ong, thảo quả, ngà voi, mai rùa…”.

Từ đó, ông kết luận: “Tóm lại, xuất nhập khẩu gần như cân bằng về tải trọng, nhưng giá trị xuất khẩu cao hơn một chút so với giá trị nhập khẩu. Chúng ta có thể ước tính tổng giá trị là 160 triệu (franc), một con số cao hơn giá trị thương mại của hầu hết các thuộc địa của chúng ta”. Thông tin đó cũng cho thấy bản chất khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên của thực dân Pháp tại An Nam.

Bên cạnh những dòng viết về Tourane (Đà Nẵng), Nam Kỳ, trong cuốn sách này, tác giả dành một dung lượng lớn để miêu tả về cố đô Huế và triều đình nhà Nguyễn; phong cảnh và đời sống sinh hoạt, tập tục, văn hóa, trang phục… của quan lại và dân chúng. Qua đó cho chúng ta hình dung về một phần đất nước, con người miền Trung ở cuối thế kỷ 19, bổ sung những kiến thức từ góc nhìn của một nhà du hành phương Tây.

 ANH QUÂN