Người Pháp ngày đầu khai phá điểm nghỉ dưỡng miền Trun

Người Pháp ngày đầu khai phá điểm nghỉ dưỡng miền Trung

“Điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane - một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian”. Ảnh: GIA PHÚC
Điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane – một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian”. Ảnh: GIA PHÚC

Dành 10 năm khảo cứu hàng ngàn trang tài liệu từ các kho lưu trữ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt cùng văn khố tại các nước Mỹ, Pháp, Canada và Thụy Sĩ để nghiên cứu về sự ra đời của Đà Lạt, Giáo sư (GS) sử học Eric T. Jennings của Đại học Victoria (thuộc Đại học Toronto, Canada) cho ra đời tác phẩm biên khảo “Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” (NXB Đà Nẵng và Phanbook liên kết xuất bản). Qua đó, tác giả không chỉ làm bộc lộ bản chất thực dân Pháp trong công cuộc xâm lược và đô hộ Đông Dương, mà còn hé lộ căn nguyên ra đời cũng như sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng trên vùng núi cao ở miền Trung.

Căn nguyên của việc ra đời này, trước hết và bao trùm, chính là do sự tốn kém từ việc hồi hương sĩ quan, binh sĩ và dân định cư Pháp bị nhiễm những căn bệnh nhiệt đới như sốt rét, dịch tả, thương hàn… GS Eric T. Jennings dẫn nguồn tài liệu, cho thấy: “Chính sách hồi hương đã nhanh chóng tỏ ra có vấn đề về mặt thực tế lẫn tài chính. Quy mô của những hoạt động hồi hương này rất đáng kể vào thời điểm đó, phí tổn liên quan lớn khủng khiếp”.

Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp triển khai tìm kiếm nơi thích hợp, có điều kiện khí hậu gần giống với chính quốc, để làm chốn nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Nam và Trung Kỳ. Nhưng, không phải sự tìm kiếm nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Theo tác giả cuốn sách, “con lắc đã bắt đầu đưa về phía một trạm nghỉ dưỡng vùng núi Đông Dương vào năm 1887. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm tương lai vẫn còn gây tranh cãi gay gắt và kéo dài mãi đến những năm đầu thế kỷ XX (…) Alexandre Kermorgant đã cho thấy những dấu hiệu của một thí nghiệm thất bại trên một ngọn núi gần Bà Rịa, nằm về phía đông nam Sài Gòn; thí nghiệm này đột ngột bị hủy bỏ vì tỷ lệ tử vong cao ngất vào năm 1887”. Còn theo một báo cáo năm 1892 của Prosper Odend’hal về các thung lũng của Khánh Hòa và (sông) Kinh Dinh, nằm sâu phía trong Nha Trang (Trung Kỳ) ghi: “Đất đai trù phú, nước dồi dào quanh năm. Thật không may, ở đây người ta có thể áp dụng câu cách ngôn mà chúng tôi học được ở Guyana: Người ta có thể giàu lên trong một năm, nếu không có chuyện người ta chết trong 6 tháng”.

Yersin và sự phát hiện Đà Lạt

Theo GS Eric T. Jennings, vào khoảng tháng 7-1897, Toàn quyền Paul Doumer chỉ thị các thuộc cấp thu thập thông tin về những địa điểm khả dĩ cho một “viện điều dưỡng miền núi, nơi những viên chức cũng như dân định cư có thể lấy lại sức lực, trong khi hiện nay họ buộc phải quay về Pháp với cái giá nặng nề phải trả đối với ngân sách của chúng ta và công việc của họ”…

Nhà khoa học kiêm nhà thám hiểm Alexandre Yersin đã hưởng ứng ngay lập tức lời yêu cầu của Doumer. Ngày 19-7-1897, ông phúc đáp Toàn quyền bằng những tư liệu về các cao nguyên Trung Kỳ mà ông thu thập trong 3 chuyến thám hiểm vào những năm 1892, 1893 và 1894… Điều bất ngờ mà tác giả cuốn sách khảo cứu được, đó là những nhiệm vụ của Yersin từ năm 1892 đến 1894 thực tế là không nhằm tìm kiếm vị trí phù hợp cho một trạm y tế. Về sau Yersin nhớ lại, các mục tiêu của ông thật ra là liên quan tới việc “báo cáo về những nguồn tài nguyên (của vùng nội địa), về triển vọng chăn nuôi, nghiên cứu các nguồn tài nguyên rừng, và tìm kiếm những kim loại có thể khai thác trong các vùng núi”.

Ngày 21-6-1893 đánh dấu việc ra đời của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Đà Lạt trên cao nguyên Lang-Bian, khi nhật ký của Alexandre Yersin viết: “Một cao nguyên mênh mông, cằn cỗi nổi bật với những quả đồi tròn”. Ba ngày trước đó, Yersin lần đầu tiên nhìn thấy thật gần ngọn núi Lang-Bian, nhìn xuống vùng cao nguyên cùng tên, nơi Đà Lạt sau này mọc lên.

Toàn quyền Paul Doumer ngay lập tức chú ý đến khu nghỉ dưỡng mới mẻ này và khẳng định Lang-Bian chẳng những có thể là “một địa điểm nghỉ ngơi và an hưởng cho những kiều dân và nhà chức trách mỏi mệt”, mà một ngày nào đó nó có thể trở thành một trung tâm hành chính hoặc thậm chí là một thủ đô thực tế, và là một căn cứ quân sự, nơi binh lính có thể dưỡng sức và sẵn sàng chiến đấu…

Debay với Bà Nà – “đối trọng” của Đà Lạt?

Theo GS Eric T. Jennings, thì “hầu hết các thống sứ, khâm sứ và những viên chức cấp cao khác đã hưởng ứng bằng danh sách các khu nghỉ mát ở bờ biển có thể thích hợp.

Chỉ có ở Trung Kỳ, các nhà chức trách mới đọc chỉ thị của Doumer một cách đủ kỹ lưỡng – hoặc có lẽ chỉ ở họ mới dám đương đầu với tiếng tăm khủng khiếp của vùng nội địa – để khảo sát một vài lựa chọn trên cao nguyên, trên khắp Trung Kỳ.”

Trong tác phẩm khảo cứu kỳ công về Đà Lạt, GS Eric T. Jennings đã dành cả chương 2 “Án mạng trong cuộc đua tìm độ cao” để nói về vai trò của đại úy Victor Adrien Debay trong việc khám phá điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane – một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian những ngày sơ khởi. Tác giả cuốn sách cho biết: “Năm 1900 và 1901, Victor Adrien Debay, một đại úy với nhiều năm kinh nghiệm về vùng cao nguyên Trung Kỳ, đã gây ra một loạt tàn phá và chết chóc khi thực hiện những chỉ thị của Toàn quyền Doumer tìm kiếm một địa điểm phù hợp thứ hai cho một trạm an dưỡng trên núi ở Đông Dương gần Tourane và Huế. Tùy thuộc vào những khám phá của vị đại úy, địa điểm đó một ngày kia có thể cạnh tranh hoặc thay thế Lang-Bian với tư cách viện điều dưỡng hàng đầu của Đông Dương”.

Việc Toàn quyền Doumer chọn Debay cho nhiệm vụ này, là do vị đại úy đã từng tổ chức những chuyến đi dài ngày qua vùng nội địa Trung Kỳ và Lào, với khoảng 750 ngày lặn lội qua những địa hình đầy núi non vào 4 năm, từ 1894 đến 1897. Khi thám hiểm miền núi Tourane vào tháng 12-1900, Debay có sự hỗ trợ của các trung úy Becker, Decherf và Venet.

Viết thêm về Debay, GS Jennings cho biết, Debay đến Đông Dương vào tháng 5-1890, và được giao công tác đầu tiên tại Nam Kỳ. Tháng 10 cùng năm thì được chuyển ra Bắc Kỳ. Trong khi thực thi nhiệm vụ thám hiểm tìm điểm nghỉ dưỡng, Debay đã tạo nên nhiều tội ác. Theo nội dung cuốn sách, “Khi những điều tra viên ở Tourane thụ lý vụ việc của Debay vào cuối năm 1901, họ thật sự ngập đầu trong hàng trăm lời khai của cả người Việt lẫn người thiểu số vùng cao, tố cáo lối hành xử tàn bạo, sát nhân, và tính bốc đồng đáng sợ của ông đại úy”.

Theo nhìn nhận của GS Jennings, “Mặc dù Doumer đã chọn Đà Lạt làm khu nghỉ dưỡng chính của Đông Dương thay vì Bà Nà, cả Yersin và Debay rốt cuộc đều đã lập được những trạm an dưỡng miền núi, với những phương pháp tiến hành rất khác biệt nhau. Trong trường hợp của cao nguyên Bà Nà, tính chất bạo lực đặc trưng của ách đô hộ thực dân trên đỉnh của một thành lũy trên núi đã được bổ sung bằng sự ô nhục của bạo lực thực dân tùy tiện và đáng ghê sợ”.

ANH QUÂN