Công ty liên kết xuất bản không phải chỉ là ‘lái sách’

Công ty liên kết xuất bản không phải chỉ là ‘lái sách’

19 năm thực hiện mô hình liên kết xuất bản, tuy còn một số hạn chế cần khắc phục nhưng không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các công ty làm liên kết xuất bản đối với sự phát triển vượt bậc của ngành xuất bản những năm qua.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu ông mong muốn được nghe những ý kiến rất thẳng thắn từ hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn được nghe những ý kiến rất thẳng thắn từ hội thảo – Ảnh: T.ĐIỂU

Đây là khẳng định chung của đại diện cơ quan quản lý ngành xuất bản, in và phát hành, các nhà xuất bản lẫn các công ty phát hành sách làm chức năng liên kết xuất bản trên cả nước tại hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản chiều 26-9 ở Hà Nội và trực tuyến với TP.HCM.

Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì, phối hợp với Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

70% đầu sách là sản phẩm của liên kết xuất bản

Phát biểu đề dẫn của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định chính liên kết xuất bản đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động xuất bản cả về tốc độ, quy mô, số lượng và chất lượng, thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản sách thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 32.000 đầu sách, 530 triệu bản sách. Sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần.

Chất lượng xuất bản phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử.

Một số cuốn sách từ liên kết xuất bản được bạn đọc yêu thích, in với số lượng lớn, tái bản nhiều lần như: Muôn kiếp nhân sinh, Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồnTuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Cây cam ngọt của tôi, Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Nhà giả kim, Dám bị ghét, Yêu những điều không hoàn hảo

Một số cuốn sách đạt giải thưởng cao như: Súng, Vi trùng và thép: Định mệnh xã hội loài người (NXB Thế Giới liên kết với Công ty Omega Books) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (NXB Thế Giới liên kết với Công ty CP sách Thái Hà) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay 100% các nhà xuất bản có thực hiện việc liên kết xuất bản. Trong đó có 32/57 nhà xuất bản có tỉ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm của nhà xuất bản).

Tỉ lệ sách liên kết xuất bản so với tổng số sách của toàn ngành vài năm qua chiếm khoảng 70%. Nhưng như vậy đồng nghĩa vai trò của các nhà xuất bản đang giảm dần.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định những thành tựu đáng ghi nhận của mô hình liên kết  xuất bản - Ảnh: T.ĐIỂU

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định những thành tựu đáng ghi nhận của mô hình liên kết xuất bản – Ảnh: T.ĐIỂU

Công ty phát hành sách nên có tính chính danh rõ ràng hơn

Tham gia hội thảo trực tuyến từ TP.HCM, ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – còn chỉ ra những đóng góp khác của các công ty phát hành sách thực hiện liên kết xuất bản.

“Lực lượng xuất bản tư nhân không chỉ làm sách mà còn tham gia các hoạt động chung của ngành xuất bản để góp phần phát triển ngành, phát triển văn hóa đọc… Họ không phải chỉ là “lái sách” chỉ biết in sách bán.

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa mô hình liên kết xuất bản, ông Lê Hoàng góp ý giải pháp về chính sách là phải cho các công ty phát hành sách tham gia liên kết xuất bản có tính chính danh rõ ràng hơn nữa.

“Nên mạnh dạn cho họ một cái tên là công ty liên kết xuất bản tư nhân. Họ được gọi là công ty được phép hoạt động liên kết xuất bản.

Họ nên có bộ máy tổ chức xuất bản tương đối hoàn chỉnh với các chức danh phù hợp, có biên tập viên. Họ cũng phải chịu trách nhiệm khi cuốn sách có vấn đề chứ không chỉ nhà xuất bản.

Và họ được hưởng chính sách bình đẳng với đơn vị xuất bản khác, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ…”, ông Lê Hoàng đề xuất.

Một trong những hạn chế lớn nhất của mô hình liên kết xuất bản mà Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu ra đó là một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết.

Thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận…