Ông Nguyễn Đình Vĩnh giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy

Ngày 27-7, tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức công bố quyết định điều động và phân công cấp ủy viên của Ban Thường vụ Thành ủy đối với ông Nguyễn Đình Vĩnh, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa phát biểu giao nhiệm vụ đối với ông Nguyễn Đình Vĩnh tại buổi công bố quyết định. Ảnh: T. HUY

Phát biểu tại lễ công bố quyết định, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa ghi nhận những nỗ lực của ông Nguyễn Đình Vĩnh trong thời gian qua với vai trò Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với Đảng bộ Quận xây dựng và phát triển quận đi lên bền vững, đặc biệt là điều hành Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ VI thành công tốt đẹp.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Đình Vĩnh. Ảnh: T. HUY

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, Ban Thường vụ tin tưởng ông Nguyễn Đình Vĩnh về công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình và cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đến, đặc biệt là công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh sinh năm 1975, quê quán xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tiến sĩ Ngữ văn; trình độ lý luận: Cao cấp lý luận Chính trị.

Trước đó, tại Quận ủy Ngũ Hành Sơn, Ban Tổ chức Thành ủy đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về việc điều động và phân công ông Nguyễn Đình Vĩnh đến công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, thời hạn 5 năm kể từ ngày công bố quyết định.

T. HUY

Hội nghị điển hình tiên tiến Nhà xuất bản Đà Nẵng lần thứ I, giai đoạn 2015 – 2020

Nhằm biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua, sáng ngày 23/7, Nhà xuất bản Đà Nẵng tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ I (2015 – 2020).

Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông; bà Trần Thị Thanh – Trưởng phòng Nội chính – Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố; ông Hồ Quý Đức – Phó trưởng Ban Thi đua – Sở Nội vụ; ông Huỳnh Trung Hậu – Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng và toàn thể cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản.

Các Đại biểu dự Hội nghị điển hình tiên tiến Nhà xuất bản Đà Nẵng lần thứ I

Trong báo cáo Tổng kết công tác thi đua khen thưởng và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 – 2025 do ông Nguyễn Kim Huy – Phó Giám đốc, Tổng Biên tập trình bày tại hội nghị nêu rõ các phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong 5 năm (2015 – 2020) đã kịp thời động viên cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản tích cực thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Nhà xuất bản; đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên ngày một nâng cao, thương hiệu Nhà xuất bản ngày một vững mạnh. Công tác xuất bản được đẩy mạnh, thực hiện xuất bản hơn 3.128 đầu sách, 1.134 văn hóa phẩm, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu tài chính: Năm 2015: 4,2 tỷ đồng; 2016: 4,2 tỷ đồng; 2017: 5,01 tỷ đồng; 2018: 5,2 tỷ đồng; 2019: 5,7 tỷ đồng. Năm 2017, 2019, Nhà xuất bản đã được UBND thành phố tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng”; nhiều đầu sách hay có giá trị đã đạt được nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, Hội đồng thi đua đã trao giấy chứng nhận điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020 cho 02 tập thể, 06 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Nhà xuất bản trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thành – Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng trao giấy chứng nhận điển hình tiên tiến cho 06 cá nhân có thành tích xuất sắc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quý Đức đã chúc mừng và biểu dương những thành tích và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, đồng chí Hồ Quý Đức đề nghị Nhà xuất bản tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hăng hái thi đua, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Nhà xuất bản cần chú trọng hơn nữa trong công tác thi đua, khen thưởng, như bố trí nhân sự phụ trách công tác thi đua, kiện toàn hội đồng thi đua, quy chế thi đua của Nhà xuất bản. …

Để tiếp tục phát huy giá trị của phong trào thi đua, khen thưởng, ông Nguyễn Thành – Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Nhà xuất bản đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 – 2025 với  khẩu hiệu hành động “Thi đua nâng tầm thương hiệu, nâng cao chất lượng đời sống”. Theo đó, toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản cần thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: 1. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng ban; 2. Tập trung chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý của cán bộ, nhân viên; 3. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đồng thời tổ chức thi đua giữa các tập thể và cá nhân trong từng khâu, từng phần việc, lập thành tích chào mừng các sự kiện quan trọng của Đảng, của thành phố và kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà xuất bản (8/8/1984 – 8/8/2024).

TRẦN BAN

Hội Xuất bản kiến nghị đưa tiết đọc sách thành giờ học chính

Hội Xuất bản đề nghị đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của nhà trường với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, và trung học phổ thông có nhiều cấp học từ ngày 6/5 đến hết ngày 6/7.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường phổ thông cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông nhiều cấp học bổ sung một điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với điều lệ hiện hành. Đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hoá đọc”.

Hội Xuất bản Việt Nam đã gửi ý kiến góp ý cho dự thảo trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, thầy cô giáo và học sinh.

Có nhiều nội dung kiến nghị, hầu hết ý kiến đóng góp tập trung “Đưa tiết đọc sách vào thời khoá biểu chính khoá của nhà trường trong việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ Trường Tiểu học và Điều 16 trong Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông nhiều cấp lớp”.

Cô giáo Hoàng Hiền hướng dẫn học sinh đọc sách trong dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”.

Trước đó, dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra, có một số điểm liên quan phát triển văn hóa đọc.

Cụ thể, điều 26 của Dự thảo Điều lệ trường tiểu học về Xây dựng và phát triển văn hóa đọc, quy định:

1. Xây dựng và phát triển văn hoá đọc, thói quen đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường. Tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện.

2. Thực hiện đa dạng các hình thức thư viện, khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện và nhu cầu. Trang trí, sắp xếp thư viện thân thiện, sinh động, phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

3. Thường xuyên bổ sung sách, báo và các nguồn học liệu, bao gồm cả bằng tiếng nước ngoài, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận sách và nguồn học liệu; có thể luân chuyển sách giữa các lớp, điểm trường.

4. Hướng dẫn học sinh tự quản các hoạt động thư viện tại lớp, trường.

5. Thực hiện hiệu quả công tác xã hội hoá, huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và tổ chức hoạt động của thư viện; thường xuyên tổ chức quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện.

Điều 16 quy định: Phát triển văn hóa đọc của Dự thảo Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông có nhiều cấp học:

1. Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.

2. Trường trung học có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc và phát triển kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh.

Tần Tần

Theo: https://zingnews.vn/hoi-xuat-ban-kien-nghi-dua-tiet-doc-sach-thanh-gio-hoc-chinh-post1104312.htmlH%E1%BB%99i?fbclid=IwAR0MwgdSxSD_byTEp6vNrPsKZbrdbEOJYtrE-M2YBZH3zQoFT0amfRFeA1I

Nhà Xuất bản Đà Nẵng chúc mừng các cơ quan báo chí nhân 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2020), ngày 19-6, đại diện lãnh đạo Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã đến thăm, chúc mừng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng.

Qua bài viết, phóng sự trên các chuyên mục: Đọc sách, Sách mới – sách hay (Báo Đà Nẵng), Văn học-Nghệ thuật (Báo Công an TP Đà Nẵng), Mỗi tuần một cuốn sách (Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng), những tác phẩm của Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã được lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo thương hiệu và dấu ấn của Nhà Xuất bản Đà Nẵng đối với công chúng. Ông Nguyễn Thành rất mong lãnh đạo các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Nhà Xuất bản Đà Nẵng, đồng thời mở ra quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên trong thời gian tới, để góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Tại các nơi đến thăm, thay mặt Nhà Xuất bản Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Nhà Xuất bản Đà Nẵng chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí: Báo Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển của đơn vị; đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các cơ quan báo chí trong việc quảng bá những ấn phẩm của Nhà Xuất bản Đà Nẵng đến với đông đảo bạn đọc, góp phần tích cực vào quá trình phát triển văn hóa đọc của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

*Dịp này, lãnh đạo Nhà Xuất bản Đà Nẵng đến tặng hoa, chúc mừng nhà báo Phan Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng nhân dịp ra mắt tập thơ “Giới hạn” (Nhà Xuất bản Đà Nẵng – 2020).

T.G

Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 43-NQ/TW

Ngày 16-6, Đảng bộ khối Các cơ quan thành phố (gọi tắt là Đảng bộ khối) tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Đây là Đảng bộ được Ban Thường vụ Thành ủy chọn tổ chức Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại đại hội.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ khối trong nhiệm kỳ qua; nhấn mạnh Đảng bộ khối đã làm tốt công tác lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, nhất là các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác, cùng thành phố đạt những thành tựu quan trọng trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Thành ủy đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, để đạt mục tiêu nêu trên có trách nhiệm rất lớn của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ khối. Vì vậy, Đảng bộ khối có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, góp phần cùng thành phố hoàn thành mục tiêu trên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Đảng bộ khối tiếp tục tập trung lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 12 chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, trọng tâm là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính tại từng cơ quan, đơn vị, phấn đấu hình thành chính quyền điện tử, hướng đến mô hình thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, Đảng bộ khối cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là nội dung “5 xây, 3 chống” trong cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, cần chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy sát với tình hình thực tiễn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; công tác dân vận trong hệ thống chính trị và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã tin tưởng chọn Đảng bộ khối để tổ chức Đại hội bầu trực tiếp Bí thư. Điều này cho thấy, Đảng bộ khối là tổ chức Đảng vững mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội còn đề cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Đại hội và là một hình thức để thực hiện dân chủ trong Đảng.

Đại hội đã thảo luận và xác định một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025, như: cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất – kinh doanh, nhất là nhiệm vụ trọng tâm do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và ngành cấp trên giao. Hằng năm, 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có từ 90% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có từ 95% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có từ 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; kết nạp từ 750 đảng viên trở lên. 100% tổ chức cơ sở Đảng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo quy định.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 25 người; ông Phạm Tấn Xử được đại hội trực tiếp bầu làm Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

LAM PHƯƠNG

Tái xuất một “bí kíp” đọc thơ

Có thể gọi cuốn Cấu trúc thơ (NXB Đà Nẵng) của Thụy Khuê là một trong vài “bí kíp” dành cho việc đọc thơ chuyên nghiệp. Sách về đọc thơ theo hướng nghiên cứu, lý luận – phê bình tại Việt Nam, số lượng cũng kha khá, nhưng số chạm tới mức độ “bí kíp” thì còn quá ít. Với một truyền thống thơ ca hàng ngàn năm, nhưng sách về việc đọc thơ chưa tương xứng như vậy, nên không ngạc nhiên nhiều người chỉ dừng lại ở mức… cảm thơ.
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê và cuốn “Cấu trúc thơ” vừa tái xuất tại Việt Nam sau 25 năm Ảnh: VĂN BẢY
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê và cuốn “Cấu trúc thơ” vừa tái xuất tại Việt Nam sau 25 năm Ảnh: VĂN BẢY

Cuốn Cấu trúc thơ xuất bản tại Mỹ lần đầu năm 1995, cùng với Vũ trụ thơ (1972), Ngôn ngữ thơ (1987), Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988), Nghĩ về thơ (1990), Tìm thơ trong tiếng nói (1992)… là nhóm các sách “bí kíp” đọc thơ khá bài bản của Việt Nam, mỗi tác giả mỗi hướng tiếp cận, có khi “mâu thuẫn” nhau. Trước các sách này thì Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Hàn Mặc Tử, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền… cũng đã có những bài viết riêng lẻ về đọc thơ. Cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) dù mới dừng lại ở mức độ cảm và bình, nhưng có thể coi là một trong vài “bí kíp” đọc thơ đầu tiên.

 

Yêu cái mới trong thơ

Nhận xét Cấu trúc thơ cho lần tái bản chính thức tại Việt Nam sau 25 năm, TS.Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) viết: “Cuốn sách của Thụy Khuê dẫn dắt người đọc khám phá những bí ẩn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ ca bằng một lối viết mạch lạc và giàu mỹ cảm. Nhưng không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, đóng góp quan trọng nhất của cuốn sách này là những phát hiện có chiều sâu của bà về những hiện tượng cách tân độc đáo và quan trọng nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại. Có thể nói, Thụy Khuê đã thành công trong nhiệm vụ phức tạp bậc nhất của một nhà phê bình: làm người đọc hiểu và yêu cái mới trong thơ”.

Thật vậy, khi đề cập đến những bài thơ đầu tiên trong văn bản chữ viết của Việt Nam, giữa bài Quốc tộ của Pháp Thuận (914 – 990) và Ngọc lang quy của Khuông Việt (933 – 1011), Thụy Khuê đã tỏ rõ sự yêu thích cái mới. Bởi Ngọc lang quy là một bài theo thể từ, có phong thái hành văn tự do, trữ tình hơn bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Pháp Thuận. Trong sách này, tinh thần thơ tự do – xét về thể loại đã được khảo sát khá kỹ, bàng bạc xuyên suốt lịch sử, chứ không phải đợi tới gần giữa thế kỷ 20 mới bắt đầu. Tinh thần tự do về câu chữ, bút pháp ở nhiều bài trong tập Quốc âm thi tập (thế kỷ 15) của Nguyễn Trãi là một dẫn chứng thuyết phục.

Ngoài thơ đời Lý, ca dao, thơ Nôm, Cấu trúc thơ còn đưa ra những hiện tượng mới mẻ trong thơ Việt Nam của thế kỷ 20 như Phan Khôi, Hàn Mặc Tử, Xuân Thu nhã tập, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, thơ văn xuôi, thơ siêu thực, thơ tự do, nhóm Sáng tạo, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt… Sách cũng khảo các nguyên lý, thủ pháp và hình thức sáng tạo, từ ẩn dụ, hoán dụ, song song… cho đến siêu thực, tạo sinh, cách tân.

Nhìn từ các giảng đường đại học

Thụy Khuê sinh năm 1944 tại Nam Định, hiện sống tại Pháp. Ở khía cạnh nghiên cứu và phê bình, bà gây dấu ấn với Cấu trúc thơ (1995), Sóng từ trường (1998), Sóng từ trường 2 (2002), Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (2002), Sóng từ trường 3 (2005)… Những tác phẩm xuất bản gần đây tại Việt Nam có Họa trường Lê Bá Đảng (NXB Thuận Hóa, 2017), Vua Gia Long và người Pháp (NXB Hồng Đức, 2017), Phê bình văn học thế kỷ 20 (NXB Hội Nhà văn, 2017), Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2018)…

Hẳn nhiên rồi, ít có luận văn nghiêm túc nào khi viết về thơ – từ cử nhân trở lên mà không từng tham khảo qua Cấu trúc thơ và các sách đã kể tên ở đầu bài.

Từ TP.Hồ Chí Minh, PGS-TS.Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Sách này giới thiệu tập trung về thi pháp học, cấu trúc luận và vận dụng nó vào khám phá các hiện tượng văn học khá linh hoạt, Thụy Khuê đã chinh phục được nhiều độc giả trẻ. Tuy nhiên, trong một yêu cầu mang tính hệ thống và cập nhật những kiến thức hiện đại hơn, thì có lẽ còn cần nhiều hơn nữa”.

Từ Hà Nội, nhà phê bình văn học Văn Giá (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, ở ngoài Bắc, mọi người để ý và đọc Đặng Tiến nhiều hơn Thụy Khuê. Do chị ấy vào nghề viết muộn hơn, các công trình của chị ấy lại ít phổ biến ngoài này. Tôi từng có bản photocopy cuốn này từ cuối những năm 1990, nhưng đọc không có ấn tượng gì lắm. Từ tên sách, cứ ngỡ chị ấy thạo chủ nghĩa cấu trúc, sẽ có phần giới thiệu, diễn giải, sau đó là ứng dụng. Nhưng đọc vào không phải vậy, cũng chẳng phải là phê bình thơ theo lý thuyết cấu trúc. Cho nên, trong quá trình giảng dạy, đôi khi có liên hệ tới và nhắc sinh viên tham khảo, chứ không phải là tài liệu trọng tâm. Tôi thường giới thiệu cho sinh viên đọc Đặng Tiến nhiều hơn. Dĩ nhiên, sách ra đời năm 1995 cũng phải coi là một cố gắng đáng ghi nhận của chị ấy. Về các lý thuyết phương Tây, miền Nam đã đi trước một bước dài từ trước 1975, trong đó có chủ nghĩa cấu trúc, tuy không mạnh như hiện sinh, phân tâm học. Ngoài này thì phải đầu những năm 2000 người ta mới dịch và giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc”.

Cũng từ TP.Hồ Chí Minh, PGS-TS. Võ Văn Nhơn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Lúc dạy chuyên đề thơ và thơ Việt Nam hiện đại, ngay khi có được bản photocopy cuốn này của Thụy Khuê là đưa vào tài liệu tham khảo. Còn cụ thể, tôi thấy những chỗ viết về sự xuất hiện của thơ, những tác phẩm thơ đầu tiên, phân biệt giữa thơ và văn xuôi, đặc biệt là phần viết về thơ hiện đại… là có giá trị tham chiếu. Xét trong bối cảnh giảng dạy những năm cuối thế kỷ 20, đây là một tài liệu quý, dù Cấu trúc thơ có tham khảo nhiều ý của Jean-Paul Sartre, của Nguyễn Văn Trung”.

LÝ ĐỢI

Theo: http://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/tai-xuat-mot-bi-kip-doc-tho-89098.html?fbclid=IwAR365hF1mCWwh-BbhC6UX_H5nQT1b1tgegFFA4mXTkPfyunDaB7aJjykK1Q

“Đòi lại Hoàng Sa là cuộc chiến đấu về ý chí và trí tuệ”

Còn nhớ vào năm 2014, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa (1974 – 2014), có một hội thảo đã diễn ra tại khách sạn Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), các học giả ngoài việc trao đổi các vấn đề liên quan đến tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đã đề nghị Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tăng cường nghiên cứu, thực hiện có chất lượng các “xuất bản phẩm” về chủ đề này vì các công bố tính đến thời điểm hiện tại của Việt Nam quá ít.

Chung nỗ lực vào chủ đề sách biển đảo cùng các nhà xuất bản trên cả nước những năm qua, Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã tổ chức biên soạn, phát hành tập sách “45 năm Hải chiến Hoàng Sa” nhằm mục đích có thêm một xuất bản phẩm, với những thông tin có giá trị, thể hiện tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm bản đồ, các nhà báo trong và ngoài nước…, góp tiếng nói đanh thép, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Có thể với góc nhìn của một số nhà nghiên cứu, tập sách có thông tin không mới, nhưng có thể khẳng định rằng, tập sách đã hệ thống hóa các bài viết tập trung khẳng định chủ quyền, thể hiện sự quản lý tiếp nối của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1954 – 1975, trong đó có nêu sự kiện Hải chiến Hoàng Sa tháng 1.1974 thông qua tư liệu thành văn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đường thời, có giá trị lịch sử và pháp lý cao. Như thông cáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với sự kiện liên quan trực tiếp đến việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974, nhằm bác bỏ những thông tin thiếu căn cứ, chưa đúng bản chất vấn đề về sự kiện này, cả về phía Trung Quốc và một số nhà nghiên cứu ở nước ngoài. Qua đó, tập sách có nhiều ý nghĩa đối với độc giả hiện nay.

Với thông tin trong tập sách, một lần nữa khẳng định các chính quyền của Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn quan tâm và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Cùng các bài viết về những tấm lòng hướng về Hoàng Sa sẽ có tác dụng động viên, cổ vũ những nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhân dân cả trong và ngoài nước… tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ tài liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là khi hiện nay Nhà Trưng bày Hoàng Sa đang kêu gọi, vận động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.

Tôi tâm đắc chia sẻ của tác giả Phạm Thanh Vân trong bài viết “Nuôi chí giành lại Hoàng Sa” trong tập sách này, với ý: “Đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến đấu về ý chí và trí tuệ”. Vâng, cuộc chiến đấu này đòi hỏi sự bền bỉ cùng với sự hiểu biết về tình hình diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới và đấu tranh dựa trên các quy định theo công pháp quốc tế. Việc xuất bản ấn phẩm này chính là thể hiện một sự  kiên trì, hòa bình trong ý nghĩa đó.

 CHÂU AN

‘Nhanh chóng sửa đổi những vấn đề cấp bách trong xuất bản, in ấn’

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, nếu thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ được giải quyết sớm.
Gặp khó khăn khi thực hiện việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh là ý kiến của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai tại hội thảo “Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” khu vực phía Nam.

Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức ngày 9/6 tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chí Hùng

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai dẫn khoản 5 điều 41 Luật Xuất bản quy định: “Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản có quyền từ chối cấp giấy phép nhập khẩu hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nhập khẩu cung cấp một bản xuất bản phẩm để tổ chức thẩm định nội dung làm cơ sở cho việc quyết định cấp giấy phép nhập khẩu”.

Quy định cấp giấy phép nhập khẩu những xuất bản phẩm không kinh doanh trên cơ sở hồ sơ của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm đơn đề nghị, danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu. Nhưng việc cấp giấy phép chỉ dựa vào danh mục thường không thể phát hiện hay nhận biết được dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực tế đã có trường hợp sau khi cấp phép, xuất bản phẩm đã nhập khẩu về rồi mới phát hiện có vấn đề.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu quy định tất cả xuất bản phẩm đề nghị nhập khẩu đều được thẩm định nội dung.

Các cơ quan cũng nên quy định thời gian thẩm định cần ngắn lại (theo luật hiện dành việc thành lập hội đồng thẩm định mất 15 ngày, thời gian thẩm định 9 ngày đối với từng xuất bản phẩm) để không gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức và không tăng thêm chi phí không cần thiết.

Đồng thời, quy định mức chi phí thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu, trong đó quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chi trả phí thẩm định.

Ông Lê Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, cũng chia sẻ quan điểm trên và đề nghị cơ quan quản lý phải thẩm định tất cả xuất bản phẩm nhập khẩu.

Nên quy định cụ thể xuất bản, phát hành điện tử
Ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội In TP.HCM, cho hay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hoạt động xuất bản và phát hành có dấu hiệu chuyển dần từ truyền thống sang hoạt động trực tuyến trên môi trường mạng Internet.

Do đó, ông kiến nghị Bộ hướng dẫn chi tiết và phân định rõ hoạt động xuất bản, phát hành trên môi trường mạng Internet và hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Bà Nguyễn Thị Phụng, đại diện Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần xác định rõ ràng “xuất bản điện tử” và “xuất bản phẩm điện tử” để không gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

Bà cho hay thực tế đã có việc các cá nhân tổ chức muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội nhưng chưa rõ việc quản lý, cấp phép như thế nào.

Bà Phụng nhận định xuất bản điện tử là tương lai của ngành xuất bản. Do vậy, việc điều chỉnh quy định pháp luật liên quan xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thiết để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành, Chủ tịch NXB Tổng hợp Đà Nẵng, lo ngại vấn đề bản quyền khi phát triển xuất bản ấn phẩm điện tử. Ông cho rằng ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin và trong xuất bản, phát hành, đó là xu thế phát triển tương lai. Nếu chúng ta không đưa những vấn đề này vào Luật Xuất bản, sẽ là thiếu sót lớn.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá cao những tham luận, ý kiến của các đơn vị xuất bản, in ấn, phát hành. Cục Xuất bản sẽ tiếp thu, ghi nhận để trình lên cơ quan cấp trên.

Đối với những vấn đề thuộc Cục Xuất bản, ông Nguyên cho hay sẽ nghiêm túc tiếp thu và có điều chỉnh, đặc biệt về các thủ tục hành chính trong xuất bản và thời gian giải quyết thủ tục.

“Thời gian tới, về mặt thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cấp phép đăng ký xuất bản, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt hơn để đảm bảo quyền lợi của các đơn vị. Với các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, chúng tôi sẽ tiếp thu và đưa vào báo cáo sắp tới”, ông Nguyễn Nguyên nói.

MINH NHẬT

Theo: https://zingnews.vn/nhanh-chong-sua-doi-nhung-van-de-cap-bach-trong-xuat-ban-in-an-post1093752.html

‘Một chiến dịch ở Bắc kỳ’ có gì đặc biệt khi cả 3 nhà sách cùng làm?

Ba đơn vị uy tín cùng làm một tác phẩm tạo ra sự cạnh tranh đáng yêu cho làng xuất bản, bởi ai cũng cố gắng làm tốt, làm đẹp, thì bạn đọc chính là người được hưởng lợi.
Mới đây, những người yêu thích dòng sách tư liệu, lịch sử về đất nước, con người Việt Nam vui mừng khi biết tin hai đơn vị Omega+ và Đông A cùng thực hiện cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ. Omega+ phát hành sách đầu tháng 5, vài ngày sau Đông A cũng thông báo sẽ phành hành cuốn sách vào giữa tháng. Bất ngờ hơn khi Nhã Nam cũng đang chuẩn bị cho ra mắt Một chiến dịch ở Bắc kỳ.

Một phiên bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Đông A. Ảnh: Đông A.

Nguồn sử liệu quý

Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Charles-Édouard Hocquard là sách du ký, ký sự, song tư liệu trong đó rất phong phú. Thời điểm thực hiện cuốn sách, tính cách ưa phiêu lưu, mạo hiểm, điều kiện được đi lại khắp các vùng, cùng khả năng chụp ảnh đã giúp Charles-Édouard Hocquard tạo nên một cuốn sách với nguồn tài liệu giá trị.

Cuối thế kỷ 19, Pháp thực hiện chiến dịch với mục tiêu chiếm đóng Bắc kỳ, giữ sự bảo hộ. Charles-Édouard Hocquard (1853 – 1911) là bác sĩ tình nguyện sang Đông Dương năm 1884 để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh. Ngoài công việc một bác sĩ quân y, ông còn là nhiếp ảnh gia quân sự đo đạc địa hình ở Bắc và Trung kỳ.

Với tinh thần phiêu lưu, bác sĩ Hocquard đã đi thăm thú, gặp gỡ, tiếp xúc đủ tầng lớp người, từ những nhà buôn, cu li, quan lại, ký lục, gia đình và trẻ con bản xứ, thậm chí cả vua Đồng Khánh. Ông quan sát từ cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục… và ghi chép, tìm hiểu, cũng như chụp lại những hình ảnh quan sát được.

Hàng trăm bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của xứ Bắc kỳ đã mang về cho Hocquard huy chương vàng danh giá tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885. Năm 1889-1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi của mình với tên Trente mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Năm 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin.

Hơn 100 năm sau, cuốn sách Pháp ngữ mang nhiều thông tin giá trị về Đông Dương đã được dịch và xuất bản tiếng Việt với tên Một chiến dịch ở Bắc kỳ.

Bằng con mắt tò mò của một người phương Tây tới phương Đông, Hocquard đã ghi chép lại trong sách từ địa dư, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc kỳ và Trung kỳ…

Các tư liệu đặc biệt có gì trị bởi hình ảnh chân thực, sống động. Thời đó, kỹ thuật chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp. Bởi vậy, ảnh chụp của Hocquard thành hình minh họa trên báo qua những bản khắc tinh xảo của các nghệ nhân như Pranishnikoff, E. Ronjat, D. Lancelot, Th. Weber…

Không chỉ cho lớp trẻ ngày nay biết thời đó cha ông ta ăn ở như nào, phong tục tập quán ra sao… cuốn sách còn đặc biệt quý khi dựng lại cho chúng ta một bản đồ Huế và Hà Nội. Ở đó có những di sản mà nay đã trở thành quá vãng như điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân, cung Bảo Định…

Bởi những lẽ đó, Một chiến dịch ở Bắc kỳ là một tác phẩm lớn, mang giá trị sử liệu về con người, xã hội và phong tục Bắc kỳ, Trung kỳ đầu thế kỷ 19.

Sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Omega+. Ảnh: Omega Plus.

Những ấn bản sách phong phú

Khi xuất hiện bản tiếng Việt, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ trở nên đa dạng về hình thức. Cả ba công ty Omega+, Đông A, Nhã Nam đều là những thương hiệu làm sách uy tín, mỗi đơn vị mang tới một phong vị riêng cho tác phẩm.

Omega+ với thế mạnh ở dòng sách kiến thức kinh điển, có hội đồng cố vấn và đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sử học… nên đã sớm cho ra mắt ấn phẩm.

Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Omega+ do Thanh Thư dịch, khổ 16 x 24 cm, có bìa cứng, áo ôm, NXB Đà Nẵng xuất bản. Đây là ấn bản kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 – 2020) và đánh dấu cột mốc một năm ra đời Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn Sử Việt của Omega+.

Tủ sách này từng in nhiều cuốn giá trị thời Đông Dương như: Tiểu luận về dân Bắc Kỳ, Paul Doumer, Xứ Đông Dương, Tâm lý dân tộc An Nam, Hội kín xứ An Nam…

Đông A vốn là đơn vị nổi tiếng làm sách đẹp nên đã sử dụng thế mạnh của mình làm ra những tác phẩm ấn tượng về hình thức. Tác phẩm của Đông A do dịch giả Đinh Khắc Phách chuyển ngữ, liên kết NXB Văn học ấn hành. Đây cũng là cuốn mở đầu cho tủ sách Đông Dương của Đông A.

“Một chiến dịch ở Bắc kỳ là cuốn sách quý về mặt tư liệu, độc đáo về hình ảnh với hơn 200 minh hoạ hiếm và đẹp về Việt Nam thời xưa, nên rất phù hợp với Đông A đó là hình ảnh và kinh điển. Về mặt hình ảnh, Đông A đã tiến hành sao chụp lại các minh hoạ và in hai màu xanh, đen theo đúng bản gốc tiếng Pháp năm 1892 mà chúng tôi đã sang tận Paris để tìm mua, nhằm đặc tả và giữ được những nét khắc tinh xảo của các nghệ nhân Pháp”, ông Nguyễn Đăng Ngọc – Trưởng ban Biên tập Đông A Books – nói.

Có tới 4 phiên bản Một chiến dịch ở Bắc kỳ được Đông A thực hiện. Ấn bản phổ thông có bìa áo in bằng công nghệ metalize, ruột in bằng mực vi sinh trên giấy GV76-BB định lượng 100 gsm (vốn dùng trong các phiên bản sách đặc biệt giới hạn 100 bản trước đó của Đông A).

Ấn bản cao cấp có bìa cứng, bìa áo ôm in bằng công nghệ metalize, khổ lớn 18,5 x 26,5 cm, dày 592 trang, ruột in 2 màu (xanh, đen), bằng mực vi sinh.

Ấn bản S500 (chỉ in 511 bản) có bìa da Microfiber, trong đó bao gồm 11 bản đặt riêng cho dự án hợp tác Pháp – Việt giữa École Normale Supérieure và Đại học Sư phạm Hà Nội. Ấn bản được in 2 màu (xanh, đen) bằng công nghệ mực vi sinh, mạ cạnh sách bằng nhũ vàng, đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách.

Lâu nay, các ấn bản S100 (chỉ in 100 bản) của Đông A được giới sưu tầm sách săn lùng. Tới Một chiến dịch ở Bắc kỳ, Đông A quảng bá đây sẽ là ấn bản đặc biệt S100 chưa từng được đơn vị này thực hiện.

S100 gồm 105 bản bìa da bò nhập khẩu từ Italy với kỹ thuật khâu ruột sách và làm bìa cứng thủ công theo lối cổ điển châu Âu Passé-carton. Ấn bản được in 2 màu (xanh, đen) trên giấy mỹ thuật cao cấp bằng công nghệ mực vi sinh, mạ cạnh sách bằng nhũ vàng, đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách. Đặc biệt, đây là các ấn bản được gia công sau in hoàn toàn thủ công.

Hình ảnh hồ Hoàn Kiếm thế kỷ 19 trong sách.

Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Nhã Nam – đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sách văn học, sách khảo cứu, tư liệu.

Ông Vũ Hoàng Giang – Phó giám đốc công ty Nhã Nam – cho biết đơn vị này đã hoàn thiện bản thảo của tác phẩm và đang tiến hành sản xuất. Dự kiến 1-2 tháng tới sách sẽ được phát hành.

Ông Giang cho biết sách của Nhã Nam ra sau hai đơn vị khác cũng có chút áp lực, nhưng không vì điều đó mà làm ẩu. “Giữa tiến độ và chất lượng, chúng tôi chọn làm tốt nội dung. Các cuốn sách luôn được chúng tôi làm kỹ, đặt chất lượng làm tiêu chí số một”, ông Vũ Hoàng Giang nói. Bên cạnh đầu tư nội dung, Nhã Nam cũng chú trọng hình thức và có những quà tặng, phụ bản kèm sách.

Nói về hiện tượng ba đơn vị cùng làm một cuốn sách, Phó giám đốc Nhã Nam cho rằng điều này tạo nên sức ép đáng yêu cho người làm sách. Khi có sự cạnh tranh, mỗi đơn vị sẽ cố gắng để làm ra những phiên bản tốt nhất, đẹp nhất, giá cả phù hợp nhất trong khả năng có thể. Và như vậy, độc giả chính là những người được lợi khi có nhiều lựa chọn, tìm những ấn bản phù hợp với nhu cầu của mình.

Tần Tần

Theo: https://zingnews.vn/mot-chien-dich-o-bac-ky-co-gi-dac-biet-khi-ca-3-nha-sach-cung-lam-post1083649.html

 

Cuộc cách mạng xuất bản của 10 cuốn sách giá rẻ, sặc sỡ

Những cuốn sách bìa mềm đầu tiên của Penguin đã thay đổi văn hóa đọc thế kỷ 20. Việc in số lượng lớn giúp sách trở nên dễ mua, đem văn học đến với nhiều độc giả hơn.

Biểu tượng chú chim cánh cụt của nhà xuất bản Penguin không mấy xa lạ với những người làm sách. Nhưng không phải ai cũng biết câu chuyện về 10 cuốn sách bìa mềm đầu tiên của Penguin xuất bản năm 1935.

Sự ra đời của các ấn bản này được đánh giá là cuộc cách mạng trong ngành xuất bản. Nó còn là bài học về việc phổ cập văn hóa tới đại chúng.

Câu chuyện về 10 cuốn sách của Penguin được kể trong Những cuốn sách thay đổi thế giới (Cha Michael Collins chủ biên, Lê Ngọc Tân dịch, Đông A và NXB Dân Trí phát hành tiếng Việt).

Vào năm 1919, Allen Lane (1902-1970) đầu quân vào nhà xuất bản (NXB) Bodley Head ở London, Anh. Allen Lane xây dựng thương hiệu Penguin thuộc NXB Bodley Head.

Cuoc cach mang xuat ban cua 10 cuon sach gia re, sac so hinh anh 1 mw112605.jpg
Allen Lane. Ảnh: John Gay.

Năm 1934, trong một lần ngồi chờ ở nhà ga và không có gì để đọc, Lane nảy sinh ý tưởng làm những cuốn sách giá rẻ nhưng có chất lượng cao, bán trong máy bán tự động.

Ý tưởng này ra đời trong bối cảnh sách vở chất lượng được in với giá thành rất cao. Cả một thời gian dài trước đó, sách dành cho giới quý tộc, thượng lưu.

Trong khi đó, những cuốn tiểu thuyết, tác phẩm hư cấu không chú trọng giá trị văn chương thường được in với bìa màu vàng, bị gọi là “truyện ba xu”, được bán để phục vụ nhu cầu giải trí của đại chúng.

Ngày 30/7/1935, ý tưởng của Lane được hiện thực hóa. Phiên bản bìa mềm 10 cuốn sách của Penguin (vốn đã xuất bản bìa cứng trước đó) ra mắt. Giá bán 6 xu mỗi cuốn. Chúng tạo nên sức hút lớn, bởi loạt sách này là những tác phẩm chất lượng, mà giá thành lại thấp.

Trong 10 cuốn, có những tác phẩm của tác giả đang “danh nổi như cồn” thời đó như: Ernest Hemingway, Compton Mackenzie… Các NXB thời đó cho rằng dự án in sách chất lượng mà giá rẻ sẽ thất bại. Bởi vậy, họ đã cho phép Allen Lane in những tác phẩm này với giá bản quyền gần như cho không.

Loạt 10 cuốn bìa mềm đầu tiền của Penguin có thiết kế bìa đặc biệt. Chúng được làm bìa theo công thức: Hai mảng màu ở trên và ở dưới, ở giữa là khoảng màu trắng ghi tên sách và tác giả. Thiết kế này mang vẻ đơn giản, trang nhã, sáng sủa và hiện đại.

Edward Young là nhân viên được Lane ủy nhiệm việc thiết kế logo và bìa mới cho loạt sách bìa mềm. Edward Young nói: “Đã đến lúc phải bỏ ý nghĩ rằng chỉ những người trình độ thấp mới muốn mua những ấn phẩm giá rẻ, bìa lòe loẹt và giật gân”.

Trước Penguin, từng có NXB nhận ra tiềm năng từ việc thiết kế bìa với màu sắc táo bạo, phông chữ đơn giản. Nhưng Lane là người thành công với cách làm này. “Chính Lane là người có được cái nhìn mang tính quyết định rằng chất lượng, ở mọi khía cạnh, là chìa khóa đem lại thành công với thị trường đại chúng”, sách Những cuốn sách thay đổi lịch sử viết.

Cuoc cach mang xuat ban cua 10 cuon sach gia re, sac so hinh anh 2 Penguin_paperback_books_001.jpg
Sách bìa mềm của Penguin xuất bản những năm 1930. Ảnh: Robert Estall / Corbis.

Vài tháng sau khi xuất bản, hơn một triệu cuốn sách bìa mềm Penguin đã được bán. Vì những mâu thuẫn với ban quản trị, Lane rời khỏi NXB Bodley Head và thành lập Penguin Books năm 1936.

Sau thành công với 10 cuốn bìa mềm, năm 1937, Lane cho ra đời loạt sách giáo dục Pelican. Loạt sách thiếu nhi của Penguin ra mắt năm 1940, và Penguin Classics năm 1945.

Những cuốn sách bìa mềm, màu sắc sặc sỡ, giá rẻ của Penguin đã cách mạng hóa ngành xuất bản. Cách làm này đưa văn học chất lượng cao đến với đại chúng. Đồng thời, nó cũng giúp các tác giả có thêm nhiều công chúng hơn.

Y NGUYÊN

Theo: https://zingnews.vn/cuoc-cach-mang-xuat-ban-cua-10-cuon-sach-gia-re-sac-so-post1090390.html

Internet, phương tiện kỹ thuật số tác động thế nào đến văn hóa đọc?

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng tại Việt Nam, học sinh, sinh viên, say mê Internet và thiết bị kỹ thuật số, trong khi chưa có nền tảng văn hóa đọc tốt như châu Âu, Nhật Bản.
Năm 2009, Bộ giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản ủy thác Đại học Shizuoka tiến hành cuộc điều tra – nghiên cứu quy mô lớn về mối quan hệ giữa đọc sách và nâng cao học lực ở học sinh.

Kết quả tổng hợp của nghiên cứu này sau đó được Hiệp hội Thư viện Trường học biên soạn thành cuốn sách mỏng có tên Sổ tay sử dụng thư viện trường học: Hoạt động đọc sách nhằm nâng cao học lực (2010).

Theo ông Nguyễn Quốc Vương, tỷ lệ người đọc sách trong giới trẻ có phần bị ảnh hưởng khi phương tiện kỹ thuật số ra đời. Ảnh: Phương Lâm.

Văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số
Trong cuốn sách trên, các tác giả nêu thực tế đáng chú ý ở Nhật Bản – lượng sách đọc và tỷ lệ người đọc sách, đặc biệt học sinh, giảm mạnh, khi các phương tiện truyền thông, giải trí đa phượng tiện và kỹ thuật số ra đời.

Nghiên cứu điều tra cho biết hiện tượng “rời xa văn hóa đọc”, “rời xa đọc sách” ở Nhật Bản xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỉ XX, khi tivi trở nên phổ biến trong các gia đình và tạp chí truyện tranh giành cho thanh thiếu niên bùng nổ.

Truyền hình và truyện tranh giành được mối quan tâm và sự say mê của trẻ em, thanh niên dẫn đến việc đọc sách bị xao nhãng.

Từ năm 2000 trở đi, khi Internet phổ cập và điện thoại thông minh trở nên phổ biến, hiện tượng “xa rời văn hóa đọc” và “xa rời đọc sách” ở Nhật Bản trở nên trầm trọng, dấy lên nhiều lo ngại trong giới nghiên cứu và giáo dục.

Sự lo ngại này đã được đặt lên bàn nghị sự quốc gia. Kết quả, Nhật Bản có những bộ luật, chính sách ở tầm vĩ mô để chấn hưng văn hóa đọc, ngăn chặn tình trạng “xa rời văn hóa đọc”, “xa rời đọc sách”.

Đó là sự ra đời và thực thi của các bộ luật như “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005), Quyết nghị của Quốc hội về “năm quốc dân đọc sách” (2010), Kế hoạch chiến lược khuyến đọc của quốc gia và địa phương (5 năm một lần)…

Xét ở khía cạnh này, sự bùng nổ và phổ cập của Internet có thể tác động tiêu cực cho văn hóa đọc.

Việt Nam, đến hiện tại, chưa thấy có công trình khảo sát thực tế giống như trên của Nhật Bản ở quy mô quốc gia. Nhưng chỉ bằng quan sát thực tế, ta cũng thấy sự xâm nhập sâu rộng của mạng Internet và các phương tiện thiết bị kỹ thuật số.

Chúng đã lấy mất thời gian tương đối lớn của giới trẻ. Nếu quan sát giới trẻ ở bến tàu, xe, công viên, sân bay, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ người sử dụng điện thoại vào mạng sẽ áp đảo so với những người đọc sách (điều thường thấy ở du khách nước ngoài).

Vì vậy, trong các cuốn sách nuôi dạy con của người nước ngoài, hầu hết tác giả đều khuyên ở giai đoạn hình thành thói quen tốt cho trẻ, để nuôi dưỡng tình yêu với sách, việc hạn chế trẻ tiếp xúc tivi, điện thoại, iPad, mà tập trung đọc sách, nghe kể chuyện, là cần thiết. Những khuyến cáo này rất cần lưu tâm đối với phụ huynh Việt.

Đối với người lớn, chúng ta có giây phút nào đó giật mình khi nhận ra bản thân dùng quá nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính và Internet, mà bỏ quên việc đọc sách?

Đối với Việt Nam, nghiên cứu và cảnh báo nói trên gợi mở rất nhiều điều vì nước ta có hoàn cảnh rất đặc biệt.

Trong khi các nước châu Âu bước vào kỷ nguyên số với sự phổ cập Internet và các phương tiện kỹ thuật số khi đã có văn hóa đọc phát triển vững chắc sâu rộng, chúng ta lại không có điều đó.

Trên thế giới, văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ vào thời cận đại khi các đô thị công nghiệp hóa, mở rộng quy mô và công nghệ in chữ rời ra đời, phát triển. Cùng với nó là sự hình thành của trường học cận đại dành cho đông đảo quốc dân.

Số người biết đọc, viết tăng mạnh, quy mô lớn, cùng công nghệ in giúp in sách báo với tốc độ nhanh hơn, sản lượng lớn hơn giúp dân cư ở các đô thị lớn thụ thưởng văn hóa đọc, tạo ra tầng lớp thị dân sùng bái văn hóa đọc.

Đấy là sức mạnh của châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đô thị dưới thời Pháp thuộc ít và nhỏ bé. Văn hóa đọc có hình thành ở các đô thị này, nhưng không lan tỏa đến nông thôn vì tỷ lệ người biết chữ ở Việt Nam thấp (trước năm 1945 khoảng 4-5% dân số).

Hơn nữa, dưới chế độ thuộc địa, việc kiểm duyệt báo chí, xuất bản cũng có tác động tiêu cực đến phát triển văn hóa đọc.

Sau đó, những cuộc chiến tranh xuất hiện và kinh tế bao cấp khó khăn. Vào thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân khá lên, đất nước mở cửa giao lưu quốc tế, Internet vào và các phương tiện kỹ thuật số bùng nổ.

Người dân, bao gồm cả học sinh, sinh viên, say mê mạng và các thiết bị kỹ thuật số, trong khi chưa có nền tảng về văn hóa đọc giống châu Âu, Nhật Bản. Đấy là bất lợi cho chúng ta trong việc xây dựng, tăng cường văn hóa.

Khi đọc trên mạng, người ta có xu hướng tìm tin tức, thông tin ngắn và đọc lướt – đặc trưng gây bất lợi cho phát triển văn hóa đọc.

Những ai dùng Facebook chắc hẳn sẽ trải nghiệm nhiều lần việc nhìn thấy người khác (hoặc chính bản thân mình) kêu lên “dài quá thôi chẳng đọc nữa”. Đấy cũng là một hạn chế của mạng Internet và thiết bị kỹ thuật số đối với việc đọc.

NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

Theo: https://zingnews.vn/internet-phuong-tien-ky-thuat-so-tac-dong-the-nao-den-van-hoa-doc-post1090144.html

Đề xuất rút ngắn thời gian cấp phép xuất bản, phát hành

Hội thảo “Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” khu vực phía Bắc do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức.

Đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản, nhà xuất bản, công ty phát hành, doanh nghiệp in tham dự và cho ý kiến về luật (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Đến nay, luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó cục trưởng Cục Xuất bản – nói: “Hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua”.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản còn bộc lộ một số hạn chế.

De xuat rut ngan thoi gian cap phep xuat ban, phat hanh hinh anh 1 1.jpg
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – chủ trì hội thảo. Ảnh: Hải Trung.

Cần quy định cụ thể với xuất bản điện tử, kinh doanh sách online

Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành và liên kết xuất bản sách. Hoạt động xuất bản sách trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, nhưng cũng ngày càng phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan chỉ đạo, quản lý.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội – nêu hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ kinh doanh, bán xuất bản phẩm online trên trang giao dịch thương mại điện tử. Địa điểm kinh doanh tại trụ sở chính có diện tích nhỏ, không thực hiện phát hành sản phẩm tại trụ sở.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể đối với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online.

Trong khi đó, tham luận của đại diện Công ty Alpha Books đưa ra nhiều câu hỏi, phần nào cho thấy còn khoảng trống của Luật Xuất bản 2012: “Xuất bản phẩm dưới định dạnh sách giấy có được phép thực hiện format khác không? Nếu liên kết với đơn vị chưa có chức năng xuất bản điện tử, xuất bản phẩm đó sẽ được xử lý như thế nào?”.

De xuat rut ngan thoi gian cap phep xuat ban, phat hanh hinh anh 2 33_trang_ban_sach_gia_900.jpg
Một số trang bán sách giả trên mạng xã hội.

Quản lý xuất bản phẩm nhập khẩu

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (XUNHASABA) đưa ra một số kiến nghị trong việc cấp phép, quản lý nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu.

Đại diện đơn vị này kiến nghị luật cần quy định rõ kinh phí thuê chuyên gia thẩm định nội dung, đơn vị nào phải chi trả tiền thẩm định, trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Họ cũng kiến nghị “giao cho doanh nghiệp tự trang trải chi phí trên và được tính vào giá thành xuất bản phẩm nhập khẩu phù hợp kinh tế thị trường”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình – nêu bất cập trong việc quản lý xuất bản phẩm không kinh doanh. Khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất bản phẩm, có dấu hiệu vi phạm, sở sẽ thành lập hội đồng thẩm định trước khi cấp giấy phép. Với số lượng nhập khẩu lớn (lên đến hàng nghìn), sở khó có thể dịch được toàn bộ nội dung, bao quát hết sách nước ngoài nhập khẩu.

“Có những trường hợp họ nói nhập về tặng cho cơ sở đào tạo tiếng Anh, nhưng thực tế nhập bán cho phụ huynh rồi”, bà Thái nói.

Với việc xem xét xử lý xuất bản phẩm nhập khẩu vi phạm, bà Nguyễn Thị Mai Hương cũng nêu một số bất cập. Đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, Hà Nội cấp trung bình 6.000 giấy phép/năm.

Điều 41 Luật Xuất bản quy định về “xuất bản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, nhưng các xuất bản phẩm nằm trong kho hải quan, đơn vị quản lý không cầm được xuất bản phẩm để thẩm định.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị làm rõ khái niệm “dấu hiệu vi phạm pháp luật” để các địa phương có cơ sở tiến hành kiểm tra xuất bản phẩm trước khi cấp giấy phép nhập khẩu.

De xuat rut ngan thoi gian cap phep xuat ban, phat hanh hinh anh 3 thumb_HS.jpg
Luật Xuất bản 2012 đã tạo hành lang pháp lý cho ngành sách phát triển trong 7 năm qua. Tuy vậy, một số điểm cần điều chỉnh.

Mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu

Theo đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, những năm qua, việc xác nhận đăng ký xuất bản đã khắc phục được tình trạng xếp hàng chờ đăng ký. Tuy nhiên, thời hạn xác nhận đăng ký 7 ngày, thời gian chờ đợi khá lâu, gây khó cho những bản thảo cần làm gấp.

“Chúng tôi mong có sự linh hoạt trong cấp giấy phép”, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật – nói.

10 ngày là quá dài, không đảm bảo tính thời sự của sách, làm lỡ cơ hội cạnh tranh, giảm hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu.

Đại diện NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật

Người này cũng cho rằng việc nộp lưu chiểu theo luật chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành.

“10 ngày là quá dài, không đảm bảo tính thời sự của sách, làm lỡ cơ hội cạnh tranh, giảm hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu”, vị này nói.

Đối với nạn sách lậu đang hoành hành, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật cho rằng cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh, phạt nặng, rút giấy phép kinh doanh.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành – đánh giá cao việc đại biểu đã nêu ra, thảo luận thẳng thắn về 4 vấn đề chính.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia gửi ý kiến về Luật Xuất bản 2012 qua email để có những nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Thu Hiền

(nguồn dẫn: https://zingnews.vn/de-xuat-rut-ngan-thoi-gian-cap-phep-xuat-ban-phat-hanh-post1089915.html)