Hôm nay, diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố

Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22-10 tại Trường Chính trị thành phố. Chiều nay (20-10), đại hội tiến hành phiên trù bị, chuẩn bị cho đại hội chính thức diễn ra từ ngày 21-10.

Chủ đề đại hội và đồng thời cũng là mục tiêu, động lực phấn đấu của thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.

Theo chương trình, phiên trù bị sẽ tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua chương trình đại hội chính thức; thông qua nội quy, quy chế đại hội; thông qua một số nội dung về quy chế bầu cử trong Đảng. Phiên trù bị cũng phân công các tổ đại biểu, địa điểm thảo luận tổ đại biểu và các nội dung hướng dẫn chuẩn bị cho phiên khai mạc đại hội chính thức. Sau khi kết thúc phiên trù bị, Đoàn Chủ tịch sẽ họp với các tổ trưởng và trưởng đoàn đại biểu.

Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 có 350 đại biểu chính thức được triệu tập tham dự; trong đó, có 47 đại biểu đương nhiên, 303 đại biểu được bầu từ 16 đảng bộ trực thuộc Thành ủy.

SƠN TRUNG

Theo: https://baodanang.vn/dai-hoi-Dang/202010/hom-nay-dien-ra-phien-tru-bi-dai-hoi-dai-bieu-lan-thu-xxii-dang-bo-thanh-pho-3847997/

Giới thiệu tập sách ‘Đà Nẵng – Thành tựu và khát vọng’

Chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 trải qua trong bối cảnh tình hình quốc tế, đất nước có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp, thành phố có bước thăng trầm cùng những khó khăn mới nảy sinh, nhất là sự tác động nghiêm trọng của thiên tai, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, với ý chí và khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là thành phố động lực khu vực miền Trung – Tây Nguyên. 

 

Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức thực hiện tập sách “Đà Nẵng – Thành tựu và khát vọng” nhằm điểm lại những thành tựu nổi bật của Đảng bộ thành phố trong 5 năm qua và những khát vọng “vươn ra biển lớn” trong giai đoạn 5 năm tiếp theo cũng như chặng đường dài phía trước. Đây là một món quà tinh thần đầy ý nghĩa gửi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, đặc biệt là các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố trong chuỗi các sự kiện chào mừng Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tập sách mong muốn chuyển tải một cách khái quát, sinh động, phong phú những kết quả đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của các cơ quan, đơn vị thành phố; là sự đánh dấu một chặng đường phát triển với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã trải qua. Đặc biệt, tập sách cũng đã phản ảnh quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời tham mưu Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43- NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh phản ảnh những thành tựu, tập sách còn thể hiện khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Khát vọng ấy càng cháy bỏng hơn khi mỗi người dân thành phố đều cảm nhận sự chững lại tạm thời trong chặng đường phát triển của Đà Nẵng, từ đó cũng thể hiện niềm mong mỏi thiết tha cho quá trình xây dựng thương hiệu “Thành phố đáng sống”… Khát vọng ấy được “tiếp lửa” từ sự quan tâm và kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và nhân dân cả nước dành những tình cảm đặc biệt cho Đà Nẵng, mở một hướng đi quan trọng, bền vững cho thành phố trong giai đoạn phát triển mới.

Cụ thể là Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội (khóa XIV) về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 393/QĐTTg ngày 18-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030 nhằm xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Cùng với bài viết của đồng chí Trương Quang Nghĩa – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng đã điểm lại 10 dấu ấn nổi bật của thành phố trong nhiệm kỳ có ý nghĩa tạo đà quan trọng cho thời kỳ phát triển mới, các bài viết còn lại do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố, các đồng chí là thủ trưởng các ban, sở, ngành, các cơ quan thành phố phản ánh các thành tựu quan trọng trên lĩnh vực do mình phụ trách và vạch ra hướng phát triển cho thời gian đến nhằm minh họa rõ nét hơn khát vọng vươn lên của Đà Nẵng trong tương lai. Tuy mỗi bài viết có cách đặt vấn đề và phong cách thể hiện khác nhau, song đã tạo nên cho tập sách một chỉnh thể thống nhất, nhiều sắc màu của cuộc sống mà Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khó chuyển tải hết. Nhờ vậy, tập sách sẽ giúp bạn đọc hình dung được bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong chặng đường vừa qua.   

Hy vọng tập sách sẽ là một tài liệu hữu ích đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của thành phố, giúp mọi người hiểu hơn, yêu hơn thành phố quê hương để cùng nhau xây dựng Đà Nẵng thực sự trở thành một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; hướng đến là đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á như tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.  

Xin trân trọng giới thiệu tập sách “Đà Nẵng – Thành tựu và khát vọng” đến cùng bạn đọc.

  
 TRẦN ĐÌNH HỒNG
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

(nguồn: https://baodanang.vn/channel/5399/202010/gioi-thieu-tap-sach-da-nang-thanh-tuu-va-khat-vong-3830943/?fbclid=IwAR38ycyYC_itsbKR9YtgWrNqcJPw6XSCzJftZxx0NsGuRHwNpx5LFq4kYic )

Sở TT&TT TP Đà Nẵng thăm và chúc mừng NXB Đà Nẵng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Sáng ngày 13-10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Đà Nẵng đã đến thăm, chúc mừng Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2014 – 13/10/2020).

Đến thăm Nhà xuất bản, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố đã đánh giá cao những nỗ lực của Nhà xuất bản trong công tác tìm kiếm, khai thác và cho xuất bản nhiều đầu sách hay, có giá trị phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Đồng thời, trong thời gian tới, Nhà xuất bản cần tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, thực hiện tốt vai trò giáo dục chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống thông qua các xuất bản phẩm.

Đại diện Sở TT&TT thành phố đến thăm và chúc mừng NXB Đà Nẵng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Thành, Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cảm ơn và ghi nhận những ý kiến của đại diện Sở TT&TT thành phố. Qua đó, lãnh đạo Nhà xuất bản cũng khẳng định những cố gắng của đơn vị để đưa Nhà xuất bản Đà Nẵng trở thành một trong những thương hiệu uy tín trong lĩnh vực xuất bản tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thành phố./.

THẢO VY

Những điểm mới ở văn kiện trình Đại hội XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng

(ĐCSVN) – Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) dự kiến diễn ra từ 20 đến 22/10 tới đây. Đại hội sẽ là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại đối với chặng đường phát triển của TP Đà Nẵng, đồng thời là tiền đề để đưa TP tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI.

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh tại Hội nghị thông tin tuyên truyền Đại hội XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng diễn ra sáng 6/10/2020.

Đặc biệt quan tâm công tác xây dựng văn kiện Đại hội

Theo đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh – Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, nhằm đảm bảo thành công nhất cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) dự kiến sẽ diễn ra từ 20 đến 22/10 tới đây, ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đặc biệt quan tâm công tác xây dựng văn kiện Đại hội.

“Thông qua công tác này nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, đưa TP phát triển nhanh, bền vững”- đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.

Với sự đặc biệt quan tâm công tác xây dựng văn kiện Đại hội nên Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các cấp ủy triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Đồng thời, trong các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XXII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XXI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XXII được tiến hành chặt chẽ, trải qua04 giai đoạn, được xây dựng trên cơ sở 3 báo cáo chuyên đề; đồng thời cũng đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thảo luận trong Tiểu ban Văn kiện; tổ chức lấy ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó đã tổ chức ý kiến góp ý của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP từ dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ 01 đến lần thứ 04theo đúng kế hoạch đề ra.

Sau các lần chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị, tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 22/9/2020 về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao về chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị, đủ yêu cầu để trình tại Đại hội Đảng bộ TP.

Sau cuộc làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kể trên, ngày 24/9/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có một cuộc họp thảo luận, cho ý kiến tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị. Thực hiện ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Tiểu ban Văn kiện đã tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ 04, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 23 ngày 02/10/2020. Hiện nay, Tiểu ban Văn kiện đang rà soát, in ấn phục vụ Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP.

“Tuy nhiên, Báo cáo chính trị sẽ tiếp tục được góp ý, bổ sung tại Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP tới đây”- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh thêm.

Những điểm mới của Báo cáo chính trị trình Đại hội

Điểm mới đầu tiên của Báo cáo chính trị trình Đại hội XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng tới đây là ở bố cục của báo cáo. Theo đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, qua quá trình tiếp thu ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thống nhất điều chỉnh bố cục của Báo cáo chính trị trình Đại hội XXII Đảng bộ TP với nội dung Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được đưa lên trước nội dung phần kinh tế – xã hội; quốc phòng – an ninh. Đây chính là điểm mới so với các kỳ đại hội trước và có khác so với bố cục báo cáo chính trị tại đại hội của các đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức.

Cùng với bố cục, một điểm mới khác là trong đánh giá chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020, Báo cáo chính trị lần này không đánh giá 03 chỉ tiêu riêng lẻ về giá trị sản xuất ngành dịch vụ; giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp mà thay vào đó là đánh giá chung thành 01 chỉ tiêu về giá trị tăng thêm, thể hiện ở chỉ tiêu thứ 04: Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước tăng 4,7%/năm; công nghiệp – xây dựng ước tăng 2,4%/năm; nông nghiệp ước tăng 3,2%/năm.

Cạnh đó, Báo cáo chính trị có cách tiếp cận mới, thể hiện việc đánh giá kết quả theo hướng làm rõ thành quả 4 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2019 và nhìn nhận tác động to lớn và khó lường của đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Trên cơ sở đó có những đánh giá chung cho cả giai đoạn của nhiệm kỳ 2015-2020.

“Việc đánh giá như vậy nhằm thể hiện rõ hơn, khách quan hơn thành quả trong cả nhiệm kỳ và lý do khách quan của đại dịch COVID-19”- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh giải thích thêm.

Cùng với những điểm mới trên, tại Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần này là đã xây dựng quan điểm phát triển TP Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Cụ thể, quan điểm phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển tới là: “Quán triệt, thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, trọng tâm là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, đoàn kết, khát vọng phát triển, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của người Đà Nẵng, xem đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Tập trung đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát triển nhanh và bền vững, có bản sắc riêng, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển thành phố trong giai đoạn mới”.

“Việc đưa ra quan điểm xây dựng và phát triển vào Báo cáo chính trị lần này là một điểm mới so với Báo cáo chính trị nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước không có quan điểm)”- đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh xác nhận.

Trong khi đó, về mục tiêu tổng quát, Báo cáo chính trị xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. “Việc đưa ra tầm nhìn đến năm 2030vào Mục tiêu tổng quát của Báo cáo chính trị lần này là một điểm mới so với Báo cáo chính trị nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước không có mục tiêu trong thời hạn 10 năm – có thời gian 2 nhiệm kỳ)”- đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh chia sẻ.

Về phương châm nhiệm kỳ Đại hội, Báo cáo chính trị đưa ra phương châm thực hành là:Đoàn kết – Kỷ cương – Nêu gương – Hành động.Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, điểm mới ở đây được xác định là phương châm của Báo cáo chính trị. “Nghĩa là phương châm thực hành cho cả nhiệm kỳ Đại hội chứ không phải là phương châm trong thời gian diễn ra Đại hội như nhiệm kỳ trước đó. Đây cũng là phương châm dùng để trang trí tại hội trường và phục vụ công tác tuyên truyền Đại hội”.

Trong khi đó, về phần nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, Báo cáo chính trị nêu rõ có 03 nhiệm vụ. Tuy nhiên điểm mới trong nhiệm vụ trọng tâm, đột phá lần này là đưa nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị lên vị trí số 01 (so với trước đây, vị trí số 01 luôn là nhiệm vụ đột phá về kinh tế – xã hội).

Về các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, điểm mới trong 14 chỉ tiêu chủ yếu mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần này xác định là đưa chỉ tiêu xây dựng Đảng lên vị trí số 01, đáp ứng yêu cầu của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, đồng thời ưu tiên các chỉ tiêu về môi trường. Đây cũng chính là điểm mới so với các đại hội trước đó./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Theo: dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhung-diem-moi-o-van-kien-trinh-dai-hoi-xxii-dang-bo-tp-da-nang-565029.html

Ra mắt “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em”: Cẩm nang trò chơi dân gian Việt Nam

“119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em” là tựa đề tập sách của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sưu tầm và biên soạn, do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành. Khổ sách: 16 x 24 cm. Số trang: 324 trang. Tranh bìa: Nguyễn Văn Tám. Minh họa: Lê Huy Hạnh, Tâm Nguyễn.

Bìa sách “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em”.

Ngay lời mở đầu tập sách, tác giả nêu rõ: “Nội dung tập sách này không phải là tuyển tập trò chơi dân gian Việt Nam, cũng chưa phải là trò chơi chọn lọc! Chúng tôi chỉ đi sâu giới thiệu 119 trò chơi dân gian, đồng dao gần gũi với trẻ em Việt Nam”. Cụ thể, sách bao gồm 3 chương chính, đó là: 1/ Ba mươi sau trò chơi thiên về vận động 2/ Năm mươi lăm trò chơi thiên về khéo léo   3/ Hai mươi tám trò chơi thiên về trí tuệ. Phần phụ lục, có các bài đồng dao do tác giả tập sách phổ lời, ký âm hoặc sưu tầm; những ca khúc dành cho trẻ em trước hoặc sau khi chơi trò chơi; các kịch bản trò chơi đồng dao trên truyền hình…

 Trong mỗi bài viết của tập sách, ở mỗi trò chơi đều có hướng dẫn: đối tượng – địa điểm, lời bài hát, cách chơi. Thỉnh thoảng, còn kèm theo hình vẽ mình họa. Thật sinh động biết bao, khi chúng ta gặp gỡ những lời đồng dao dễ thương ở các trò chơi như: “Nhắc cò cò…/Lên trên o (cô)/ Xin miếng nác (nước)/ Vẽ dưới bác/ Xin miếng xôi/ Lên trên trời/ Rụng cái độp…” (Nhắc cò cò). Hoặc: “Vuốt hột nổ/ Đổ bánh bèo/ Xào xạc – Vạc kêu/ Nồi tròn – vung méo/ Cái kéo thợ may/ Cái cày làm ruộng/ Cái phẳng phát bờ/ Cái lờ thả cá…” (Vuốt hạt nổ). Và : “Giã chày một/ Hột gạo vàng/ Sang chày đôi/ Dôi thóc mấy/ Giã chày bảy/ Đẩy chày ba/ Các cô nhà ta/ Đi ra mà giã” (Giã chày một)…

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh vốn sinh ra ở nông thôn, nơi đồng chiêm trũng, châu thổ sông Hồng, lớn lên độ tuổi mục đồng đã hấp thụ, gắn liền với nhiều trò chơi dân gian, đồng dao. Bước sang tuổi trưởng thành, anh lại may mắn được gần gũi, “tháp tùng” với một số vị cao niên xâm nhập lĩnh vực văn nghệ dân gian. Anh có thời gian 8 năm liền giảng dạy, truyền bá đồng dao, dân ca Việt Nam cho trẻ em trên sóng Truyền hình Việt Nam, có tác dụng rất lớn trong việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là giữ gìn các làn điệu dân ca của cha ông ta để lại, được công chúng cả nước yêu thích và đón nhận. Hơn 15 năm tham gia cùng GS-TS KH Tô Ngọc Thanh, cố NSND, biên đạo múa Ybrom chủ trì các cuộc liên hoan Dân ca- Dân vũ (dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây nguyên). Từng lăn lộn cùng các nhạc sĩ Trần Hồng, nhạc sĩ Trương Đình Quang, NSƯT Thiện Tâm… dàn dựng nhiều chương trình Giai điệu miền Trung (dân ca Nam Trung bộ), giới thiệu chân dung các nghệ sĩ dân gian, các trò đồng dao Nam Trung bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Theo nhận định của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: “Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, nhưng trò chơi đồng dao do dễ chơi – không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc- nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại. Đương nhiên sở thích của người- chơi- trẻ- em thường đa dạng: có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; ngay cùng thích chơi thể thao nhưng có em thích bóng bàn, có em thích bóng đá, thậm chí có em thích đánh cờ; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích Dung dăng dung dẻ, có em thích Tập tầm vông…” Chính vì vậy, ông Bùi Văn Tiếng lạc quan, tin tưởng: “trẻ em đương đại rất cần những tập sách như “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em” của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh mà bạn đọc đang có trên tay. Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là một thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý”.

Đáng quý hơn nữa, là song song với việc giới thiệu chi tiết 119 trò chơi, tác giả còn tạo điều kiện cho các em tiếp cận với 60 bài hát (phần nhiều là những khúc đồng dao) được phổ nhạc, ghi âm, ký âm theo tiết điệu của trò chơi, hoặc “thanh bằng thanh trắc” của lời đồng dao tiếng Việt. Hy vọng, “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em” của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sẽ nhanh chóng được các em tiếp cận và ứng dụng vào các sinh hoạt vui chơi.

TRẦN TRUNG SÁNG

Theo: http://cadn.com.vn/news/71_232563_ra-ma-t-119-tro-choi-do-ng-dao-da-nh-cho-tre-em-ca-m-nang-tro-choi-dan-gian-vie-t-nam.aspx?fbclid=IwAR2NFSLyELh4LI184zfh25gH_TOJsHsTebhy7HshkX-94jvKD9Sbgx2nVzE

Đồng dao dành cho trẻ em

Trẻ em thời nào cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể – ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế, trong các trò chơi đồng dao – một loại trò chơi dân gian – không có chỗ cho trò chơi “một mình”/“độc diễn”, kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao – chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá.

Trẻ em thời nào cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể – ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế, trong các trò chơi đồng dao – một loại trò chơi dân gian – không có chỗ cho trò chơi “một mình”/“độc diễn”, kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao – chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá. Ngay khi chơi cầu lông hoặc bóng bàn, thường trẻ em cũng thích… đánh đôi hơn đánh đơn – mặc dầu đánh đơn đã là chơi cùng nhau.

Đó là chưa kể tham gia những trò chơi tập thể đông vui ấy – kể cả các cuộc chơi cờ tướng hoặc cờ vua mặt đối mặt giữa hai kỳ thủ nhỏ tuổi – không chỉ có các người-chơi-trẻ-em mà còn có các người-xem-trẻ-em/cổ-động-viên-trẻ-em. Chính vì thế, hiện tượng nhiều trẻ em thời nay suốt ngày cứ ngồi cắm mặt vào màn hình máy tính bảng hoặc vào điện thoại thông minh để một mình chơi game là hoàn toàn xa lạ với niềm vui được chơi cùng nhau trước sự reo hò cổ vũ của bạn bè đồng trang lứa…  

Chơi bóng thì phải có bóng và sân bóng – kể cả quả bóng bàn và bàn bóng bàn nhỏ hơn nhiều so với quả bóng và sân bóng dành cho bóng chuyền/bóng rổ/bóng đá. Trong khi đó, sân chơi dành cho trò chơi đồng dao cơ động hơn nhiều – chỉ cần một khoảng không gian đủ rộng cho cả người-chơi-trẻ-em và người-xem-trẻ-em/cổ-động-viên-trẻ-em. Dụng cụ trong các trò chơi đồng dao cũng đơn giản và dễ tìm, nhiều khi chính là chân hoặc là tay của các người chơi.

Có trường hợp người chơi dùng vừa tay vừa chân làm dụng cụ – chẳng hạn trong trò chơi Đi chợ về chợ có hai em ngồi lần lượt duỗi chồng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi hai em khác vừa đi qua đi lại rồi nhảy qua nhảy lại vừa hát bài đồng dao Đi chợ về chợ có ca từ tương thích với từng động tác duỗi bàn chân, chụm bàn tay hay xòe bàn tay… Đương nhiên “dụng cụ” khiến chơi đồng dao khác với chơi thể thao chính là bài đồng dao mà người-chơi-trẻ-em học được từ mẹ/từ bà và chủ yếu từ các bạn chơi trong trường/trong xóm.  

Cho nên học chơi trò chơi đồng dao phải bắt đầu từ việc học hát đồng dao. Các bài hát đồng dao là di sản văn hóa phi vật thể được truyền từ đời này sang đời khác với nhiều dị bản – tùy theo mỗi vùng miền. Cũng có các nhạc sĩ đương đại sẵn lòng ký âm những làn điệu đồng dao, sưu tập/biên tập lại ca từ, qua đó góp phần phổ cập đồng dao trong trẻ em. Thời buổi này  phổ cập các bài hát đồng dao trong trẻ em thuận lợi hơn xưa, bởi không chỉ trên sóng phát thanh mà còn trên cả sóng truyền hình; đương nhiên lịch phát sóng phải phù hợp để khán/thính-giả-trẻ-em có thể xem/nghe mà không ảnh hưởng đến bữa ăn/giấc ngủ hoặc đến việc học.

Học chơi trò chơi đồng dao không chỉ phải biết hát đúng lời đúng nhạc bài hát đồng dao mà còn phải biết chơi đúng cách chơi – biết thực hiện động tác nào trước động tác nào sau cho tương thích với ca từ, rồi biết thế nào thì thắng thế nào thì thua, thế nào thì được thưởng thế nào thì bị phạt. Đó là chưa kể những người-chơi-trẻ-em cần phải có đầu óc tổ chức để rủ bạn chơi cùng, cũng như cần có tinh thần đồng đội để có thể cùng chơi…

Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, nhưng trò chơi đồng dao do dễ chơi – không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc – nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại. Đương nhiên sở thích của người-chơi-trẻ-em thường đa dạng: có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; ngay cùng thích chơi thể thao nhưng có em thích bóng bàn, có em thích bóng đá, thậm chí có em thích đánh cờ; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích Dung dăng dung dẻ, có em thích Tập tầm vông… “Nhân sinh quý thích chí”, chơi cũng không ngoại lệ, có điều các bậc phụ huynh ở nhà và nhất là thầy cô ở trường hoàn toàn có thể định hướng và “truyền lửa” nhằm tạo cho trẻ em hứng thú cần thiết đối với các trò chơi đồng dao vốn bình dị bình dân và do vậy mà rất bình đẳng – ai cũng được chơi và ai cũng chơi được, bởi chơi thể thao còn đòi hỏi sự khổ luyện và thậm chí đòi hỏi năng khiếu, chứ còn chơi trò chơi đồng dao bài hát thì dễ nhớ dễ thuộc, cách chơi thì dễ biết dễ quen, chỉ cần có một tinh thần đồng đội và một tấm lòng đồng điệu… 

       
Đương nhiên, dễ nhớ dễ thuộc đến mấy thì cũng cần biết nhạc và lời của từng bài đồng dao để hát cho đúng lời đúng nhạc; dễ biết dễ quen đến mấy thì cũng phải được hướng dẫn chơi cho đúng cách chơi. Và vì vậy, trẻ em đương đại rất cần những tập sách như Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh mà bạn đọc đang có trên tay. Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là một thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý.

Ðó là chưa kể được sinh ra và lớn lên ở nông thôn Bắc Bộ từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Trịnh Tuấn Khanh có những năm  tháng tuổi thơ từng mê mải với không ít trò chơi đồng dao và nhờ vậy mà hiểu biết về trò chơi đồng dao của Trịnh Tuấn Khanh còn là sản phẩm của một quá trình tự trải nghiệm. Ðó là chưa kể lợi thế của một người làm văn nghệ truyền hình cũng giúp Trịnh Tuấn Khanh có điều kiện thâm nhập thực tế trò chơi dân gian nói chung, trò chơi đồng dao nói riêng, nhất là có điều kiện gần gũi học hỏi với nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này…  

Với sự ngưỡng mộ sâu sắc về tâm huyết mà nhiều năm qua nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã dành cho văn hóa văn nghệ dân gian và đặc biệt đã dành cho trẻ em và cho một loại hình trò chơi của trẻ em thấm đẫm chất dân gian là trò chơi đồng dao, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa tập sách Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa mới ấn hành.

BÙI VĂN TIẾNG – Chủ tịch LHH các Hội Văn học Nghệ thuật Tp Đà Nẵng

(dẫn nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202009/dong-dao-danh-cho-tre-em-3708949/index.htm?fbclid=IwAR2y4G91YLmVIydjmnrqsNKc2bOtFJUDxn3HuBE4tomSaE9y2nWb_2q66lA )

Đà Nẵng chính thức nới lỏng giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 5-9

ĐNO – UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 3287/QĐ-UBND và Công văn số 5896/UBND-VHXH về việc chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay.

Theo đó, kể từ 0 giờ 00 phút ngày 5-9, toàn thành phố sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay ban hành kèm theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 4-9 của Chủ tịch UBND thành phố cho đến khi có thông báo mới, cụ thể như sau:

Đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện công cộng…; yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc (tối thiểu 1 mét); không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…

Các hoạt động sau đây tiếp tục tạm dừng:

Hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện…tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 20 người, khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người; hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử; hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành.

Các hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành. Chỉ cho phép hoạt động lưu trú được hoạt động trở lại, tạm dừng các dịch vụ khác tại các khách sạn, cơ sở lưu trú; hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động thể thao, võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tắm biển.

Bên cạnh đó, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.

Các hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục (các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt…), cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm.

Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh xuất phát hoặc đến các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định phòng, chống dịch.

Đồng thời, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép đối với mỗi loại phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Vẫn áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).

Các hoạt động khác ngoài các hoạt động tạm dừng nêu trên được hoạt động trở lại nếu có cam kết và đủ điều kiện thực hiện nghiêm túc các nội dung biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo quy định của pháp luật.

XUÂN DŨNG

(dẫn nguồn: https://baodanang.vn/channel/5399/202009/da-nang-chinh-thuc-noi-long-gian-cach-xa-hoi-tu-0-gio-ngay-5-9-3702162/?fbclid=IwAR2D8ZOFMTMqjFVbsds1LW8XPSh_satJ8B2TopFphG2AyfrD8QO2v5xSHCk )

Phòng, chống Covid-19 gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội

ĐNO – Chiều 3-9, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43/CT-TU về lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát và khả năng tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể thành phố cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên tinh thần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không trông chờ, phụ thuộc chỉ đạo của cấp trên.

Cụ thể, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống Covid-19; đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tuân thủ nghiêm túc các phương pháp, quy định về phòng, chống dịch. Làm tốt, hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, truyền thông với nhiều hình thức để người dân không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, tạo ý thức tự bảo vệ sức khỏe.

Bảo đảm bảo đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để duy trì năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị, phòng, chống dịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các Tổ Công tác Covid-19 tại cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Thực hiện đồng bộ chủ trương về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5 của Ban Thường vụ Thành ủy. Từng cấp, từng ngành chủ động rà soát và có phương án, giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Tập trung chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành theo hướng rõ người, rõ việc, chủ động, quyết liệt trong thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, các hình thức trực tuyến trong xử lý công việc, hội họp, phù hợp với tình hình dịch bệnh và mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai đồng bộ thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Triển khai tốt các biện pháp bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, an ninh truyền thông; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các ngành chức năng liên quan đánh giá công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp trong thời gian đến, không để bị động, bất ngờ; triển khai xét nghiệm diện rộng trong tuần đầu tháng 9-2020 để có cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó, kiểm soát; đồng thời tạo cơ sở để chuyển trạng thái, quản lý kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành các quy định quản lý, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học, bệnh viện, nơi làm việc, các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, phương tiện vận tải công cộng… Trên cơ sở đó, từng bước áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương, bảo đảm xử lý linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả các tình huống khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh hoặc dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Chủ động rà soát, xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng Covid-19 với trọng tâm khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn; tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.

Kịp thời cân đối thu, chi ngân sách sát với tình hình trên địa bàn; chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bảo đảm đúng đối tượng, quy định, phù hợp với nguồn lực, công khai, minh bạch và kịp thời; thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh…

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo HĐND thành phố tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng UBND thành phố trong chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình khôi phục phát triển kinh tế – xã hội thành phố trong tình hình mới.

Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp vận động nhân dân hiểu, đồng lòng với các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố; nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi nếp sống, thói quen trong sinh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh; thực hiện tốt công tác vận động, tiếp nhận, hỗ trợ phòng, chống dịch và người dân gặp khó khăn, bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng quy định…

PHAN CHUNG

Theo: baodanang.vn/channel/5399/202009/phong-chong-covid-19-gan-lien-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-3702100/?fbclid=IwAR0SVLAgMAnnfz0BWZjMShgVS9G0XcKvy_RtYP9fx-Uyw8pRF-_ATO_t-fM

Phòng, chống Covid-19 kết hợp với khôi phục, phát triển kinh tế

Sáng 28-8, chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh việc ban hành Chỉ thị, các kế hoạch phù hợp với tình hình, bảo đảm khôi phục, phát triển kinh tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống Covid-19 sáng 28-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian quyết định là một tuần tới. Ngành y tế tiếp tục là đơn vị chủ lực tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, trong đó đẩy mạnh việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

Đồng thời, tiếp tục sàng lọc, phân loại xét nghiệm tại các bệnh viện khi tiếp đón người bệnh; có phương án cụ thể bảo đảm an toàn tại một số khu vực có nguy cơ như chợ, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp…

“Tình hình dịch bệnh tuy có giảm nhưng tính chất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn thường trực, vì thế các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg cũng như các biện pháp cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân; tăng cường mạnh mẽ hoạt động của hệ thống giám sát, chú trọng đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát; nâng cao hiệu quả, vai trò của Tổ Công tác Covid-19 tại cộng đồng, Tổ kiểm tra liên ngành của thành phố trong việc quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.

Đồng thời cho rằng cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực điều trị Covid-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; chú trọng tổ chức cách ly, bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung”.

Về một số giải pháp từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40/CT-TU ngày 19-5 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống khắc phục tác động của Covid-19, đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế, trọng tâm là các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng cho Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trước mắt thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không để tình trạng đứt gãy nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò các cấp ủy Đảng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bước đầu đã có những kết quả khả quan trong phòng, chống dịch nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan và buông lỏng các biện pháp cần thiết.

“Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố tiếp tục họp bàn sâu hơn, chỉ ra những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục. Các cơ sở y tế đã có sự thích ứng kịp thời, vì vậy ngành y tế cần nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cấp các cơ sở y tế quận, huyện, không chỉ đáp ứng công tác phòng, chống dịch mà còn phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong tương lai. Hiện nay, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm, năng lực điều trị từng bước được nâng lên, đó là những căn cứ, cơ sở ban đầu để nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thời điểm và địa điểm nới lỏng giãn cách cần phải được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, công tác phòng, chống Covid-19 vẫn đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Tính đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 212.000 người (khoảng 20% dân số), trong đó có gần 2.500 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại địa phương; thực hiện cách ly y tế tập trung hơn 11.500 người, theo dõi sức khỏe tại nhà hơn 15.000 trường hợp.

Hiện có 186 trường hợp đang điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế, 69% trong số đó không có biểu hiện lâm sàng, 15% có biểu hiện nhẹ và 16% trường hợp nặng. Ngành y tế cũng đã điều trị khỏi Covid-19 cho 11 trường hợp, hiện còn 12 trường hợp đang tiếp tục được theo dõi, điều trị. Song song với việc điều trị, cứu chữa bệnh nhân, công tác truyền thông, xử lý vi phạm được đẩy mạnh. UBND các quận, huyện phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xử phạt 1.700 trường hợp với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, những ca nhiễm gần đây được phát hiện kịp thời tại các điểm xét nghiệm diện rộng, khu cách ly nên nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế. Tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm ngày càng tăng, số điểm nóng trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm nhưng ca bệnh trong cộng đồng diễn biến khó lường.

“Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tiếp tục rà soát, củng cố các biện pháp đã thực hiện thời gian qua, đồng thời nghiên cứu triển khai nới lỏng giãn cách xã hội để sẵn sàng áp dụng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian đến. Tổ chức phòng chống dịch an toàn cho cộng đồng tại các địa điểm như bệnh viện, chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, trường học, ký túc xá; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác điều trị và dự phòng để từng bước kiểm soát, khống chế dịch bệnh”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

(Nguồn: https://baodanang.vn/ytesuckhoe/202008/phong-chong-covid-19-ket-hop-voi-khoi-phuc-phat-trien-kinh-te-3699976/?fbclid=IwAR0Jm-NOzXhD0KfGuPXJFCcwZahetR8EhW8QWuF-zYr-nLy1a-m5mwr3XjY )

Khan hiếm dịch giả giỏi

Chúng ta có nhiều dịch giả nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu dịch thuật của thị trường. Dịch giả giỏi thường tuổi đã cao, còn lớp trẻ giỏi ngoại ngữ nhưng đôi khi yếu tiếng Việt.

“Nhập siêu” trong xuất bản, ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là mặt tích cực khi độc giả trong nước có cơ hội được tiếp cận những ấn phẩm có giá trị trên thế giới. Ngoài ra, đây cũng có thể xem là “vùng đất tiềm năng” cho những ai làm nghề dịch sách. Có điều, thực tế không hoàn toàn là màu hồng.

Một buổi giao lưu về dịch thuật tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Chia sẻ tại tọa đàm “Hiện trạng và tầm quan trọng của công việc biên dịch đối với sự phát triển toàn diện và hội nhập của Việt Nam” mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, cho biết trong 10 năm qua, số lượng xuất bản phẩm ở Việt Nam cũng như thói quen, nhu cầu đọc sách của người Việt ngày càng tăng.

Trong 59 NXB và hàng trăm công ty sách, nhiều công ty, NXB có số lượng sách dịch chiếm hơn 50%; thậm chí có đơn vị có sách dịch chiếm tới 80%.

Điều này cho thấy nhu cầu tiếp nhận sách ngoại văn của độc giả rất nhiều. Qua đó, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của đội ngũ dịch giả trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt các ấn phẩm nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam chỉ ra một thực tế của đội ngũ dịch giả trong nước, đó là vừa thừa, vừa thiếu. Thừa ở chỗ ngày nay có nhiều trường đào tạo biên dịch và năng lực ngoại ngữ của các bạn trẻ ngày càng tăng. Nhiều bạn trẻ cũng muốn thử sức với dịch thuật nên đội ngũ dịch giả trẻ ra đời nhiều hơn trước đây.

Nhiều dịch giả nhưng lại chưa đáp ứng nhu cầu dịch thuật của thị trường. Cụ thể, nhiều mảng đề tài cần đến dịch giả phù hợp lại không có, đặc biệt là thể loại sách khoa học, sách chuyên ngành.

“Tôi cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, cần phải cung cấp nhiều cuốn sách khoa học hay sách kiến thức chuyên ngành để các bạn trẻ có nền tảng kiến thức, góp phần xây dựng đất nước sau này, nhưng đội ngũ dịch giả đó lại không có nhiều”, ông Nam bày tỏ.

Ngoài ra, cũng theo ông Thành Nam, tình trạng thừa và thiếu còn thể hiện giữa các loại ngôn ngữ với nhau. Trong khi tiếng Anh gần như chiếm ưu thế, những ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary… tìm được dịch giả không phải dễ.

Ông Nam lấy dẫn chứng ở NXB Trẻ: Trong 400 đầu sách mới xuất bản mỗi năm (trong tổng số 1.500 đầu sách), khoảng 50% là sách dịch. Trong số lượng sách dịch đó, 70% là từ ngôn ngữ tiếng Anh, 20% là sách tiếng Nhật, Hàn, Pháp, Nga, Ba Lan…

Vừa là dịch giả vừa là biên tập viên, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Phó giám đốc Công ty sách Nhã Nam (chi nhánh TP.HCM), có điều kiện tiếp xúc bản dịch của nhiều thế hệ, nhiều thể loại khác nhau.

Một mặt thừa nhận thực tế như ông Nguyễn Thành Nam đã chỉ ra, nhưng đồng thời, ông Cao Đăng cũng mang đến một thực tế “vừa thừa, vừa thiếu” khác.

“Phần lớn dịch giả giỏi mà cá nhân tôi tiếp xúc đều thuộc thế hệ trước. Đó là một điều đáng lo vì các bác, các cụ không còn nhiều thời gian, trong khi thế hệ kế thừa rất mỏng”, ông Đăng cho biết.

Mặc dù vậy, theo quan sát của ông Đăng, những dịch giả thuộc thế hệ trẻ, chủ yếu là 8X, vừa có nền tảng về mặt ngôn ngữ và tri thức, vừa có sự đam mê và nghiêm túc với nghề như An Lý, Nham Hoa…

“Tôi đánh giá cao các bạn đó và có thể cho chúng ta chờ đợi trong khoảng 10 đến 20 năm tới, sẽ là hậu duệ xứng đáng của các cụ đi trước. Nhưng điều đáng buồn là số lượng đó còn ít”, ông Đăng nói.

Con sẻ vàng – tác phẩm dịch của An Lý, một trong những dịch giả trẻ được đánh giá cao hiện nay. Ảnh: Trạm Đọc.

Giỏi ngoại ngữ nhưng kém tiếng Việt

Từ kinh nghiệm làm việc với các các công ty, tổ chức dịch thuật, mặc dù đã “chọn mặt gửi vàng”, bà Trần Thị Khuyên, Phó giám đốc Alpha Books, cho biết vẫn bị vướng mắc bởi chất lượng dịch thuật.

Theo bà Khuyên, một số “dịch giả” chia nhỏ, cắt đoạn bản thảo rồi giao cho nhóm biên dịch làm việc và ráp nối lại thành phẩm; sau đó giao cho công ty sách mà không hề đọc lại bản dịch.

Chia sẻ của bà Trần Thị Khuyên không làm nhiều người ngạc nhiên, bởi thực tế đã có một số “thảm họa dịch thuật” gây không ít sửng sốt.

Đặc biệt, thời gian gần đây, chất lượng dịch thuật đang là vấn đề khiến độc giả băn khoăn. Có những ấn phẩm được dịch một cách cẩu thả, hay có bản dịch chất lượng… tương đương công cụ dịch của Google, câu cú lộn xộn, ý tứ mập mờ.

Tuy vậy, theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, ngoài những lỗi về tiếng Anh, có thêm một thực tế đầy tréo ngoe, thậm chí đến mức báo động: Nhiều bạn trẻ có ngoại ngữ rất tốt nhưng kém tiếng Việt. Lỗi này không riêng các bạn du học về mà kể cả người đang học trong nước.

“Cái sự nghèo nàn tiếng Việt của một thế hệ dịch giả trẻ là vấn đề lớn, đương nhiên cũng có một số bạn ý thức được điều đó. Nhưng từ chỗ ý thức cho đến tự mình đào luyện, hoàn thiện, tự mình cải thiện dần năng lực tiếng Việt là cả một vấn đề”, ông Đăng bày tỏ.

Chất lượng dịch thuật kém có một nguyên nhân không nhỏ đến từ thù lao cho dịch giả. Một dịch giả cho biết thù lao dịch thuật phổ biến 40.000-70.000 đồng/trang in (theo sách gốc). Như vậy, tính ra nhuận bút cho một cuốn sách dịch khoảng 10-15 triệu đồng.

Trong khi đó, để hoàn thành một cuốn sách, dịch giả phải mất từ 3-6 tháng. Với thời gian đó, số tiền kia thực sự không thấm vào đâu!

Bà Trần Thị Khuyên thừa nhận thực tế này và cho rằng phần lớn đơn vị xuất bản không thể trả mức nhuận dịch quá cao do những sự ràng buộc về chi phí sản xuất.

(Dẫn nguồn: https://zingnews.vn/khan-hiem-dich-gia-gioi-post1120453.html )

Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg

ĐNO – Sáng 11-8, UBND thành phố ban hành công văn số 5316/UBND-VHXH gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 12-8. Trong ảnh: Cán bộ y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà Ảnh: PHAN CHUNG

Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, lãnh đạo thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức và toàn thể người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ, ngày 12-8 cho đến khi có thông báo mới. Riêng địa bàn huyện Hòa Vang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 13 giờ ngày 11-8. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng, chống Covid-19 của Trung ương và địa phương đã ban hành một cách chủ động, có trách nhiệm và hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới; nhấn mạnh lợi ích, tầm quan trọng của biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân, gia đình và xã hội.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong ảnh: Nhân viên CDC Đà Nẵng tiếp nhận, mã hóa các mẫu bệnh phẩm trước khi đưa đi xét nghiệm. Ảnh: PHAN CHUNG

Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục tăng tốc truy vết và phát hiện; nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm; triển khai mạnh lấy mẫu nhóm, xét nghiệm gộp; tổ chức chỉ đạo khoanh vùng nhanh, cách ly kịp thời và dập dịch triệt để. Bên cạnh đó, tổ chức điều trị tích cực các trường hợp mắc dịch bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, lây lan “chéo”, bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ cán bộ y tế và người bệnh…

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biện pháp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các chợ, siêu thị, chợ đầu mối, cảng cá, âu thuyền… Ngoài thực hiện nghiêm việc giãn cách, tiếp xúc giữa quầy với quầy, giữa người với người; đeo khẩu trang; khử khuẩn tay; đo thân nhiệt trước khi vào chợ cần triển khai thực hiện ngay biện pháp giãn số người, giãn số lần đi chợ của người dân với phương án phù hợp, hiệu quả, thuận lợi nhất cho người dân và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Đề nghị Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm tra, chế tài, kiên quyết xử lý các trường hợp thực hiện không nghiêm trong công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tổ chức ra quân tuần tra; kiện toàn, bổ sung các chốt chặn tại các trục đường giao thông chính trên địa bàn, các cửa ngõ ra vào thành phố…

UBND thành phố yêu cầu việc tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian tới cần quyết liệt và hiệu quả hơn, đặc biệt thực hiện nghiêm túc biện pháp gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; phường cách ly với phường; xã cách ly với xã; quận, huyện cách ly với quận, huyện; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, không ra ngoài; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và pháp luật nếu để xảy ra sai sót, thực hiện không nghiêm các quy định và nhiệm vụ được giao.

PHAN CHUNG

(nguồn:

ĐNO – Sáng 11-8, UBND thành phố ban hành công văn số 5316/UBND-VHXH gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 12-8. Trong ảnh: Cán bộ y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà Ảnh: PHAN CHUNG

Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, lãnh đạo thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức và toàn thể người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ, ngày 12-8 cho đến khi có thông báo mới. Riêng địa bàn huyện Hòa Vang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 13 giờ ngày 11-8. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng, chống Covid-19 của Trung ương và địa phương đã ban hành một cách chủ động, có trách nhiệm và hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới; nhấn mạnh lợi ích, tầm quan trọng của biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân, gia đình và xã hội.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong ảnh: Nhân viên CDC Đà Nẵng tiếp nhận, mã hóa các mẫu bệnh phẩm trước khi đưa đi xét nghiệm. Ảnh: PHAN CHUNG

Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục tăng tốc truy vết và phát hiện; nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm; triển khai mạnh lấy mẫu nhóm, xét nghiệm gộp; tổ chức chỉ đạo khoanh vùng nhanh, cách ly kịp thời và dập dịch triệt để. Bên cạnh đó, tổ chức điều trị tích cực các trường hợp mắc dịch bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, lây lan “chéo”, bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ cán bộ y tế và người bệnh…

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biện pháp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các chợ, siêu thị, chợ đầu mối, cảng cá, âu thuyền… Ngoài thực hiện nghiêm việc giãn cách, tiếp xúc giữa quầy với quầy, giữa người với người; đeo khẩu trang; khử khuẩn tay; đo thân nhiệt trước khi vào chợ cần triển khai thực hiện ngay biện pháp giãn số người, giãn số lần đi chợ của người dân với phương án phù hợp, hiệu quả, thuận lợi nhất cho người dân và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Đề nghị Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm tra, chế tài, kiên quyết xử lý các trường hợp thực hiện không nghiêm trong công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tổ chức ra quân tuần tra; kiện toàn, bổ sung các chốt chặn tại các trục đường giao thông chính trên địa bàn, các cửa ngõ ra vào thành phố…

UBND thành phố yêu cầu việc tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian tới cần quyết liệt và hiệu quả hơn, đặc biệt thực hiện nghiêm túc biện pháp gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; phường cách ly với phường; xã cách ly với xã; quận, huyện cách ly với quận, huyện; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, không ra ngoài; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và pháp luật nếu để xảy ra sai sót, thực hiện không nghiêm các quy định và nhiệm vụ được giao.

PHAN CHUNG

)

Nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19

Ngày 10-8, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần chủ động, kiên quyết trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Theo đánh giá, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã bám sát tình hình thực tế, tuy nhiên cần quyết liệt, nghiêm túc hơn trong việc thực hiện để nâng cao hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 10-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng ghi nhận sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các chuyên gia hàng đầu đã hỗ trợ Đà Nẵng kịp thời trong điều tra dịch tễ, xét nghiệm, truy vết và điều trị; ghi nhận UBND thành phố, các cấp ủy, đơn vị, địa phương đã kịp thời ban hành, thực hiện các kế hoạch cần thiết để góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. “Kết quả trong công tác phòng, chống dịch đến thời điểm này xuất phát từ việc ngăn chặn, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị hiệu quả.

Chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành quả thời gian qua, có đánh giá tổng thể, nêu rõ những biện pháp đã triển khai, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, không chỉ cho địa phương mà các tỉnh, thành khác đang có nguy cơ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục duy trì các biện pháp phù hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp đã, đang triển khai. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố song song với công tác chỉ đạo cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ cần thiết, xác định trách nhiệm của người thực hiện và thời gian hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Chúng ta phải xác định rõ những việc phải làm, trong đó nhấn mạnh việc đề nghị người dân tiếp tục đồng hành với hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Nếu không có sự đồng thuận của người dân thì nhiệm vụ khó hoàn thành. Ngoài ra, cần lưu tâm, đánh giá tình hình ở những khu vực nhạy cảm; xem lại việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các cơ quan Nhà nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, địa phương đã triển khai kịp thời các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, hiệu quả của những kế hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết tâm của các đơn vị, địa phương. “Lo nhất hiện nay vẫn là những sai sót về các trường hợp F1, bởi hiện nay có nhiều F1 đã trở thành F0. Nếu chỉ một F1 bị sót thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn thường trực. Đề nghị lãnh đạo thành phố có đánh giá toàn diện, khách quan và chính xác về chỉ số này, đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc truy vết, kiểm soát các trường hợp F1”, ông Dương đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, qua phân tích dịch tễ, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng có thể kiểm soát được khi số ca nhiễm ghi nhận đã giảm dần, mặc dù số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tăng lên rất nhiều so với trước. “Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn rất phức tạp, khó lường, Đà Nẵng cần nghiêm túc với các biện pháp đã ban hành để không đánh mất cơ hội kiểm soát dịch bệnh. Trước mắt là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tập trung cao độ; đẩy mạnh việc xét nghiệm, trong đó ưu tiên những ca nghi nhiễm và những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, một số khu vực có ca nhiễm tăng cao phải hết sức cân nhắc, xem xét việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Xét nghiệm nhanh, khoa học

Liên quan đến công tác xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2, ngày 10-8, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đi thị sát quy trình kỹ thuật lấy mẫu tại cộng đồng, đặc biệt là việc lấy mẫu gộp tại phường Bình Thuận (quận Hải Châu); đồng thời, trực tiếp vào khu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố để xem toàn bộ quy trình xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.

Hiện nay CDC Đà Nẵng đang triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm. Về vấn đề này, lãnh đạo thành phố cho rằng, việc tổ chức đưa người dân trong khu vực nguy cơ đến điểm tập trung, sắp xếp và tiến hành lấy mẫu một nhanh chóng theo phương pháp lấy mẫu nhóm (5 người/nhóm gộp) đã giúp thành phố cải thiện rất tốt về tốc độ lấy mẫu. Phương pháp này góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. “Chúng ta đang thực hiện một cách ráo riết với chiến lược là xét nghiệm – truy vết – cách ly – điều trị – dập dịch.

Thành phố đang tích cực đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm, sẵn sàng trang bị máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu, kịp thời phát hiện những nguy cơ để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố, hiện đơn vị được trang bị 13 máy xét nghiệm Realtime PT-PCR, 5 máy tách chiết tự động, hệ thống máy tính, máy in và các loại máy phun hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổng cộng có hơn 460 người đã tham gia các công tác xét nghiệm, điều tra, truy vết, theo dõi các khu điểm nóng để triển khai lấy mẫu cộng đồng… “Đến nay, CDC đã xét nghiệm khoảng 40.000 mẫu bệnh phẩm của hơn 50.000 người, đồng thời phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu và xét nghiệm tìm kháng thể cho 10.000 người.

Trong 10.000 mẫu xét nghiệm nhanh này, chúng ta kịp thời phát hiện 18 mẫu dương tính”, bác sĩ Thạnh cho biết. Qua giám sát, điều tra thông tin dịch tễ của 269 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, CDC ghi nhận có 251 ca liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng hoặc có nguồn lây ban đầu liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, 11 ca bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây (8 ca bệnh chưa ghi nhận các F1 dương tính)…

Theo CDC Đà Nẵng, quy trình kỹ thuật để tiến hành nhận mẫu và triển khai xét nghiệm hiện nay tổ chức khá khoa học, năng suất làm việc đáp ứng được số mẫu được gửi đến. Với tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm như hiện nay, mỗi ngày CDC Đà Nẵng có thể lấy và xét nghiệm từ 6.000-7.000 mẫu bệnh phẩm. Với năng lực được nâng cao, ngành y tế tiếp tục mở rộng ra những điểm khác để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chặn đầu dịch lây lan. Công tác xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng dân cư cho thấy tỷ lệ người mắc Covid-19 được phát hiện rất thấp.

Chính vì thế, việc xét nghiệm theo nhóm đã cải thiện đáng kể về số lượng mẫu tập trung, giúp ngành Y tế chủ động, đón đầu trước sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, phần lớn các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại địa phương đều không có các biểu hiện lâm sàng. Thực tế này sẽ giảm phần nào áp lực trong điều trị nhưng công tác điều tra dịch tễ, dự phòng lại phải đẩy nhanh tốc độ. “Chính vì thế, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, điều tra dịch tễ, cách ly, xét nghiệm kịp thời thì dịch có nguy cơ bùng phát trở lại”, bác sĩ Yến cho biết.

Thời gian đến, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị CDC Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu rộng ra, lấy mẫu ở những cộng đồng khu dân cư có vấn đề nghi ngờ để tổ chức xét nghiệm. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện nhiều F1 gây áp lực, gánh nặng cho CDC. “Tiếp tục huy động nhân lực, thiết bị và phương pháp xét nghiệm theo nhóm để tăng tốc xét nghiệm. Đối với vấn đề đi lại của người dân, chính quyền địa phương phải siết chặt hơn nữa, khuyến cáo chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết.

Chúng ta chưa tính đến việc phong tỏa cả thành phố nhưng trong những ngày tới, nếu tình hình diễn biến khác đi thì Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp mạnh hơn nữa”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

Theo: https://baodanang.vn/channel/5399/202008/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-covid-19-3612945/?fbclid=IwAR14rgooIovm68MJ9UhG_tCikoBNfwaexeiVYochHuozwf4w9IZBJxjpLo8