Lưu giữ và lan tỏa văn hóa dân gian xứ Quảng

Nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển (2002 – 2022), Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng ra mắt ấn phẩm “Mai sau còn nhớ” (NXB Đà Nẵng, tháng 10/2023), do các nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, Trịnh Tuấn Khanh và Đinh Thị Hựu biên soạn.

Bìa cuốn sách “Mai sau còn nhớ“.
Bìa cuốn sách “Mai sau còn nhớ“.

“Hơn 600 năm qua, tại vùng đất chưa mưa đà thấm này, cha ông người Quảng đã để lại một gia tài văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống thường ngày… Như tảng băng trôi trong nhân dân, cả bề nổi lẫn mặt chìm, thời gian quay gót trôi đi không lui lại được, những người cao tuổi am hiểu vốn văn hóa văn nghệ dân gian dần mai một. Họ ra đi mang theo cả vốn quý đi cùng…”. Đó là trăn trở của hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng và đã dốc sức mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá văn hóa dân gian và cho ra đời “Mai sau còn nhớ”.

“Truyền lửa” qua các thế hệ

Một điểm đặc biệt trong cuốn sách “Mai sau còn nhớ” là sự xuất hiện những tên tuổi – dù đã về bên kia núi hay còn say mê lặn lội sưu tầm vốn văn hóa dân gian – thân thuộc trong giới nghiên cứu vốn quý của cha ông xứ Quảng.

Đó là Nguyễn Phước Tương, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Lê Duy Anh, Hoàng Hương Việt, Lê Hoàng Vinh, Võ Văn Hòe, Trịnh Tuấn Khanh, Đinh Thị Hựu, Thái Nghĩa, Văn Thu Bích, Huỳnh Viết Tư, Phạm Hữu Bốn (Phạm Hữu Đăng Đạt), Nguyễn Thành Khánh, Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Nguyễn Đăng Hựu…

Điều đáng quý là trong đó, dễ nhận ra sự tiếp nối các thế hệ; cho thấy trong gian khó của nghề nghiệp cũng như đời sống, những người đam mê văn hóa dân gian đã có sự “truyền lửa” cho nhau.

Trong tuyển tập này, cũng dễ nhận ra sự phong phú về đề tài cũng như phong cách nghiên cứu, thể hiện của các tác giả. Đó là những lát cắt mỏng nhưng sâu về nghề truyền thống, vùng đất, dân tộc, loại hình văn nghệ dân gian xứ Quảng; hay những vấn đề về bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian trong đời sống đương đại, mối quan hệ giữa văn hóa dân gian giữa các quốc gia, dân tộc.

Ở đó, bạn đọc bắt gặp sự phân tích, tổng hợp những câu ca dao, tục ngữ, hò vè… dân gian xứ Quảng về nghề biển trong “Nghề biển trong tâm thức dân gian xứ Quảng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương. Đó là sự đau đáu về những loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống xứ Quảng nói riêng, nước Việt nói chung trong trò chơi bài chòi và kịch hát bài chòi, của hát bội/ hát bộ… của các nhà nghiên cứu Trương Đình Quang, Trần Hồng; hay trò chơi dân gian, đồng dao thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh.

Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Bốn (Phạm Hữu Đăng Đạt) hấp dẫn người đọc bằng những câu chuyện sưu tầm dân gian về nói lái, chuyện nuôi cọp độc đáo, riêng có ở Quảng Nam. Đó là các tác giả trẻ nghiên cứu, so sánh về mặt đồ hình giữa bài chòi Việt Nam và bài giấy dân gian Trung Quốc (Nguyễn Thành Khánh), xòe Thái trong vũ đạo người Thái Việt Nam và Trung Quốc (Nguyễn Đăng Hựu), tín ngưỡng thờ cá Ông, thờ mẫu Tứ phủ (Nguyễn Thị Thanh Xuyên)…

Đơm hoa kết trái từ đời sống dân gian

Nói về chặng đường 20 năm qua của chi hội, ông Võ Văn Hòe – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, cho hay: “Chi hội đã phát huy chức năng của mình, bám sâu vào lòng người, lòng đất, cành nhánh nay đã sum sê đang đơm hoa kết trái.

Nhiều hội viên đã từng trải trong quá trình nghiên cứu vốn văn hóa văn nghệ dân gian ông cha, vươn lên khẳng định và giữ lấy chỗ đứng của mình đều đã có công trình nghiên cứu nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng và không chỉ có thế mà còn mở rộng phạm vi ghi chép, sưu tầm trong không gian văn hóa miền Trung và cả nước”.

Học sinh trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: C.N
Học sinh trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: C.N

Từ đó, các hội viên của Chi hội đã góp phần thực hiện các ấn phẩm đầy đặn, có giá trị như: “Tổng tập Văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng”, “Đà Nẵng 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian (1997 -2022)”, “Văn hóa dân gian Đà Nẵng – cổ truyền và đương đại” cùng các thước phim tư liệu, phóng sự truyền hình về văn nghệ dân gian và những tác phẩm của những cá nhân hội viên…

“Chi hội tiếp tục đầu tư tinh thần sáng tạo vào các công trình văn hóa, lời ăn tiếng nói, nghệ thuật dân gian, lối sống, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa dân gian… với nhiều phương pháp và cách tiếp cận khác nhau. Qua đó, góp phần làm phong phú tài sản văn hóa văn nghệ dân gian cha ông đã để lại cho chúng ta hôm nay” – ông Võ Văn Hòe cho biết.

 ANH QUÂN

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy chúc mừng Nhà xuất bản Đà Nẵng nhân Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10-10)

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2023), sáng 10/10, bà Mai Thị Thu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đến thăm, chúc mừng đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản Đà Nẵng.

Bà Mai Thị Thu đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Nhà xuất bản Đà Nẵng, qua đó đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương, chính sách của thành phố đến với đông đảo bạn đọc; góp phần thực hiện công tác tư tưởng – văn hóa, lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống xã hội… Bà Mai Thị Thu chúc mừng, động viên đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nhân viên của Nhà xuất bản Đà Nẵng vượt qua khó khăn, phát triển thương hiệu Nhà xuất bản Đà Nẵng lên tầm cao mới.

Đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Đà Nẵng trân trọng cảm ơn Ban Tuyên giáo Thành ủy luôn quan tâm sâu sát, động viên kịp thời, có những định hướng quan trọng trong hoạt động của Nhà xuất bản Đà Nẵng thời gian qua; đồng thời bày tỏ quyết tâm đoàn kết, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của Đảng, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

B.T

Công ty liên kết xuất bản không phải chỉ là ‘lái sách’

Công ty liên kết xuất bản không phải chỉ là ‘lái sách’

19 năm thực hiện mô hình liên kết xuất bản, tuy còn một số hạn chế cần khắc phục nhưng không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các công ty làm liên kết xuất bản đối với sự phát triển vượt bậc của ngành xuất bản những năm qua.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu ông mong muốn được nghe những ý kiến rất thẳng thắn từ hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn được nghe những ý kiến rất thẳng thắn từ hội thảo – Ảnh: T.ĐIỂU

Đây là khẳng định chung của đại diện cơ quan quản lý ngành xuất bản, in và phát hành, các nhà xuất bản lẫn các công ty phát hành sách làm chức năng liên kết xuất bản trên cả nước tại hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản chiều 26-9 ở Hà Nội và trực tuyến với TP.HCM.

Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì, phối hợp với Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

70% đầu sách là sản phẩm của liên kết xuất bản

Phát biểu đề dẫn của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định chính liên kết xuất bản đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động xuất bản cả về tốc độ, quy mô, số lượng và chất lượng, thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản sách thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 32.000 đầu sách, 530 triệu bản sách. Sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần.

Chất lượng xuất bản phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử.

Một số cuốn sách từ liên kết xuất bản được bạn đọc yêu thích, in với số lượng lớn, tái bản nhiều lần như: Muôn kiếp nhân sinh, Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồnTuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Cây cam ngọt của tôi, Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Nhà giả kim, Dám bị ghét, Yêu những điều không hoàn hảo

Một số cuốn sách đạt giải thưởng cao như: Súng, Vi trùng và thép: Định mệnh xã hội loài người (NXB Thế Giới liên kết với Công ty Omega Books) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (NXB Thế Giới liên kết với Công ty CP sách Thái Hà) đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay 100% các nhà xuất bản có thực hiện việc liên kết xuất bản. Trong đó có 32/57 nhà xuất bản có tỉ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm của nhà xuất bản).

Tỉ lệ sách liên kết xuất bản so với tổng số sách của toàn ngành vài năm qua chiếm khoảng 70%. Nhưng như vậy đồng nghĩa vai trò của các nhà xuất bản đang giảm dần.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định những thành tựu đáng ghi nhận của mô hình liên kết  xuất bản - Ảnh: T.ĐIỂU

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định những thành tựu đáng ghi nhận của mô hình liên kết xuất bản – Ảnh: T.ĐIỂU

Công ty phát hành sách nên có tính chính danh rõ ràng hơn

Tham gia hội thảo trực tuyến từ TP.HCM, ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – còn chỉ ra những đóng góp khác của các công ty phát hành sách thực hiện liên kết xuất bản.

“Lực lượng xuất bản tư nhân không chỉ làm sách mà còn tham gia các hoạt động chung của ngành xuất bản để góp phần phát triển ngành, phát triển văn hóa đọc… Họ không phải chỉ là “lái sách” chỉ biết in sách bán.

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa mô hình liên kết xuất bản, ông Lê Hoàng góp ý giải pháp về chính sách là phải cho các công ty phát hành sách tham gia liên kết xuất bản có tính chính danh rõ ràng hơn nữa.

“Nên mạnh dạn cho họ một cái tên là công ty liên kết xuất bản tư nhân. Họ được gọi là công ty được phép hoạt động liên kết xuất bản.

Họ nên có bộ máy tổ chức xuất bản tương đối hoàn chỉnh với các chức danh phù hợp, có biên tập viên. Họ cũng phải chịu trách nhiệm khi cuốn sách có vấn đề chứ không chỉ nhà xuất bản.

Và họ được hưởng chính sách bình đẳng với đơn vị xuất bản khác, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ…”, ông Lê Hoàng đề xuất.

Một trong những hạn chế lớn nhất của mô hình liên kết xuất bản mà Cục Xuất bản, In và Phát hành nêu ra đó là một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết.

Thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận…

Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á

Hội nghị Ban Chấp hành ABPA là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

TTXVN – Ngày 12/9, theo thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023, Hội sẽ phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association – ABPA) và các hoạt động bên lề từ ngày 14-16/9/2023.

Tham dự Hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia…); đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh…

Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á diễn ra ngày 15/9 tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là diễn đàn để các Hội thành viên ABPA nhìn lại thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hội nghị sẽ tập trung vào những nhóm chủ đề như: Rà soát thực trạng ngành xuất bản của các nước thành viên ABPA; thảo luận đề xuất các đường hướng thúc đẩy hợp tác nội khối; tăng cường giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, giao dịch bản quyền giữa các nước thành viên ABPA; thảo luận, quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.

“Sau khi nhìn lại tình hình xuất bản của từng nước trong năm qua, các đại biểu sẽ cùng đóng góp ý tưởng để ngày càng củng cố những hoạt động hiện nay, phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội trong khu vực và trên trường quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA cho biết.

Bên lề Hội nghị, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” vào chiều 15/9. Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.

Hội thảo tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số: Đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số và nhận diện hành vi vi phạm; Thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: Đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…

Để chào mừng Hội nghị, từ ngày 14 đến 16/9, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Triển lãm trưng bày khoảng 100 tựa sách tiếng Việt, ngoại ngữ, song ngữ, chia thành 3 cụm gồm: Không gian sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dịch sang 7 thứ tiếng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Lễ khai mạc Triển lãm diễn ra lúc 10 giờ ngày 15/9 tại Sân khấu A, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các thành viên ABPA cũng tham gia nhiều hoạt động bên lề để hiểu hơn về văn hóa và nền xuất bản Việt Nam như: Thăm di tích Bến Nhà Rồng, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống nhà sách Phương Nam, hệ thống nhà sách Fahasa….

Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association – ABPA) là cộng đồng thân thiện, nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và các đối tác trong ngành. Hội Xuất bản Việt Nam là thành viên đồng sáng lập ABPA vào năm 2005./.

Phúc Hằng

Người Pháp ngày đầu khai phá điểm nghỉ dưỡng miền Trun

Người Pháp ngày đầu khai phá điểm nghỉ dưỡng miền Trung

“Điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane - một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian”. Ảnh: GIA PHÚC
Điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane – một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian”. Ảnh: GIA PHÚC

Dành 10 năm khảo cứu hàng ngàn trang tài liệu từ các kho lưu trữ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt cùng văn khố tại các nước Mỹ, Pháp, Canada và Thụy Sĩ để nghiên cứu về sự ra đời của Đà Lạt, Giáo sư (GS) sử học Eric T. Jennings của Đại học Victoria (thuộc Đại học Toronto, Canada) cho ra đời tác phẩm biên khảo “Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” (NXB Đà Nẵng và Phanbook liên kết xuất bản). Qua đó, tác giả không chỉ làm bộc lộ bản chất thực dân Pháp trong công cuộc xâm lược và đô hộ Đông Dương, mà còn hé lộ căn nguyên ra đời cũng như sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng trên vùng núi cao ở miền Trung.

Căn nguyên của việc ra đời này, trước hết và bao trùm, chính là do sự tốn kém từ việc hồi hương sĩ quan, binh sĩ và dân định cư Pháp bị nhiễm những căn bệnh nhiệt đới như sốt rét, dịch tả, thương hàn… GS Eric T. Jennings dẫn nguồn tài liệu, cho thấy: “Chính sách hồi hương đã nhanh chóng tỏ ra có vấn đề về mặt thực tế lẫn tài chính. Quy mô của những hoạt động hồi hương này rất đáng kể vào thời điểm đó, phí tổn liên quan lớn khủng khiếp”.

Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp triển khai tìm kiếm nơi thích hợp, có điều kiện khí hậu gần giống với chính quốc, để làm chốn nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Nam và Trung Kỳ. Nhưng, không phải sự tìm kiếm nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Theo tác giả cuốn sách, “con lắc đã bắt đầu đưa về phía một trạm nghỉ dưỡng vùng núi Đông Dương vào năm 1887. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm tương lai vẫn còn gây tranh cãi gay gắt và kéo dài mãi đến những năm đầu thế kỷ XX (…) Alexandre Kermorgant đã cho thấy những dấu hiệu của một thí nghiệm thất bại trên một ngọn núi gần Bà Rịa, nằm về phía đông nam Sài Gòn; thí nghiệm này đột ngột bị hủy bỏ vì tỷ lệ tử vong cao ngất vào năm 1887”. Còn theo một báo cáo năm 1892 của Prosper Odend’hal về các thung lũng của Khánh Hòa và (sông) Kinh Dinh, nằm sâu phía trong Nha Trang (Trung Kỳ) ghi: “Đất đai trù phú, nước dồi dào quanh năm. Thật không may, ở đây người ta có thể áp dụng câu cách ngôn mà chúng tôi học được ở Guyana: Người ta có thể giàu lên trong một năm, nếu không có chuyện người ta chết trong 6 tháng”.

Yersin và sự phát hiện Đà Lạt

Theo GS Eric T. Jennings, vào khoảng tháng 7-1897, Toàn quyền Paul Doumer chỉ thị các thuộc cấp thu thập thông tin về những địa điểm khả dĩ cho một “viện điều dưỡng miền núi, nơi những viên chức cũng như dân định cư có thể lấy lại sức lực, trong khi hiện nay họ buộc phải quay về Pháp với cái giá nặng nề phải trả đối với ngân sách của chúng ta và công việc của họ”…

Nhà khoa học kiêm nhà thám hiểm Alexandre Yersin đã hưởng ứng ngay lập tức lời yêu cầu của Doumer. Ngày 19-7-1897, ông phúc đáp Toàn quyền bằng những tư liệu về các cao nguyên Trung Kỳ mà ông thu thập trong 3 chuyến thám hiểm vào những năm 1892, 1893 và 1894… Điều bất ngờ mà tác giả cuốn sách khảo cứu được, đó là những nhiệm vụ của Yersin từ năm 1892 đến 1894 thực tế là không nhằm tìm kiếm vị trí phù hợp cho một trạm y tế. Về sau Yersin nhớ lại, các mục tiêu của ông thật ra là liên quan tới việc “báo cáo về những nguồn tài nguyên (của vùng nội địa), về triển vọng chăn nuôi, nghiên cứu các nguồn tài nguyên rừng, và tìm kiếm những kim loại có thể khai thác trong các vùng núi”.

Ngày 21-6-1893 đánh dấu việc ra đời của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Đà Lạt trên cao nguyên Lang-Bian, khi nhật ký của Alexandre Yersin viết: “Một cao nguyên mênh mông, cằn cỗi nổi bật với những quả đồi tròn”. Ba ngày trước đó, Yersin lần đầu tiên nhìn thấy thật gần ngọn núi Lang-Bian, nhìn xuống vùng cao nguyên cùng tên, nơi Đà Lạt sau này mọc lên.

Toàn quyền Paul Doumer ngay lập tức chú ý đến khu nghỉ dưỡng mới mẻ này và khẳng định Lang-Bian chẳng những có thể là “một địa điểm nghỉ ngơi và an hưởng cho những kiều dân và nhà chức trách mỏi mệt”, mà một ngày nào đó nó có thể trở thành một trung tâm hành chính hoặc thậm chí là một thủ đô thực tế, và là một căn cứ quân sự, nơi binh lính có thể dưỡng sức và sẵn sàng chiến đấu…

Debay với Bà Nà – “đối trọng” của Đà Lạt?

Theo GS Eric T. Jennings, thì “hầu hết các thống sứ, khâm sứ và những viên chức cấp cao khác đã hưởng ứng bằng danh sách các khu nghỉ mát ở bờ biển có thể thích hợp.

Chỉ có ở Trung Kỳ, các nhà chức trách mới đọc chỉ thị của Doumer một cách đủ kỹ lưỡng – hoặc có lẽ chỉ ở họ mới dám đương đầu với tiếng tăm khủng khiếp của vùng nội địa – để khảo sát một vài lựa chọn trên cao nguyên, trên khắp Trung Kỳ.”

Trong tác phẩm khảo cứu kỳ công về Đà Lạt, GS Eric T. Jennings đã dành cả chương 2 “Án mạng trong cuộc đua tìm độ cao” để nói về vai trò của đại úy Victor Adrien Debay trong việc khám phá điểm nghỉ dưỡng Bà Nà ở vùng đất Tourane – một đối trọng của Đà Lạt ở cao nguyên Lang-Bian những ngày sơ khởi. Tác giả cuốn sách cho biết: “Năm 1900 và 1901, Victor Adrien Debay, một đại úy với nhiều năm kinh nghiệm về vùng cao nguyên Trung Kỳ, đã gây ra một loạt tàn phá và chết chóc khi thực hiện những chỉ thị của Toàn quyền Doumer tìm kiếm một địa điểm phù hợp thứ hai cho một trạm an dưỡng trên núi ở Đông Dương gần Tourane và Huế. Tùy thuộc vào những khám phá của vị đại úy, địa điểm đó một ngày kia có thể cạnh tranh hoặc thay thế Lang-Bian với tư cách viện điều dưỡng hàng đầu của Đông Dương”.

Việc Toàn quyền Doumer chọn Debay cho nhiệm vụ này, là do vị đại úy đã từng tổ chức những chuyến đi dài ngày qua vùng nội địa Trung Kỳ và Lào, với khoảng 750 ngày lặn lội qua những địa hình đầy núi non vào 4 năm, từ 1894 đến 1897. Khi thám hiểm miền núi Tourane vào tháng 12-1900, Debay có sự hỗ trợ của các trung úy Becker, Decherf và Venet.

Viết thêm về Debay, GS Jennings cho biết, Debay đến Đông Dương vào tháng 5-1890, và được giao công tác đầu tiên tại Nam Kỳ. Tháng 10 cùng năm thì được chuyển ra Bắc Kỳ. Trong khi thực thi nhiệm vụ thám hiểm tìm điểm nghỉ dưỡng, Debay đã tạo nên nhiều tội ác. Theo nội dung cuốn sách, “Khi những điều tra viên ở Tourane thụ lý vụ việc của Debay vào cuối năm 1901, họ thật sự ngập đầu trong hàng trăm lời khai của cả người Việt lẫn người thiểu số vùng cao, tố cáo lối hành xử tàn bạo, sát nhân, và tính bốc đồng đáng sợ của ông đại úy”.

Theo nhìn nhận của GS Jennings, “Mặc dù Doumer đã chọn Đà Lạt làm khu nghỉ dưỡng chính của Đông Dương thay vì Bà Nà, cả Yersin và Debay rốt cuộc đều đã lập được những trạm an dưỡng miền núi, với những phương pháp tiến hành rất khác biệt nhau. Trong trường hợp của cao nguyên Bà Nà, tính chất bạo lực đặc trưng của ách đô hộ thực dân trên đỉnh của một thành lũy trên núi đã được bổ sung bằng sự ô nhục của bạo lực thực dân tùy tiện và đáng ghê sợ”.

ANH QUÂN

Miền Trung qua góc nhìn nhà du ký Pháp

Miền Trung qua góc nhìn nhà du ký Pháp

Cuốn sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” mang đến nhiều tư liệu về đất và người miền Trung ở cuối thế kỷ 19, bổ sung những kiến thức từ góc nhìn của một nhà du hành phương Tây.
Bìa tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” .
Bìa tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” .

Hành trình đến An Nam

“Nằm ở vị trí trung tâm bên bờ biển An Nam, trong một tỉnh giàu có và giáp giới phía nam của vịnh Tonquin vốn thiếu các cảng xứng với danh xưng, cảng này đã luôn thu hút sự chú ý của du khách và mang lại cho nó một danh tiếng xứng đáng; nhưng phải thừa nhận rằng trong tay người An Nam, nó hầu như không có giá trị gì.

Chừng nào tình trạng này còn tồn tại, chừng nào ngoại thương vẫn phụ thuộc vào các phương tiện thuyền nhỏ hoặc thuyền mành, thì Tourane vẫn sẽ còn nhường chỗ cho cảng Kiam” (Chăm – Chiêm cảng, Đại Chiêm hải cảng: cảng thị của Quảng Nam tức là Cửa Đại ngày nay – chú thích của người dịch).

Đó là những dòng nhận định về cảng Tourane (Đà Nẵng) trong cuốn sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam” (NXB Đà Nẵng và Book Hunter liên kết xuất bản năm 2023) – ký sự du hành của J.L Dutreuil de Rhins.

J.L Dutreuil de Rhins sinh năm 1846 tại Lyon, là nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp, phục vụ cho Hải quân Pháp với cương vị là một thuyền trưởng đường dài trong các cuộc thám hiểm tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, đồng thời nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ. Ông mất năm 1894 trong chuyến thám hiểm Thượng Á.

Về cơ duyên đến với Vương quốc An Nam, vào đầu năm 1876, J.L Dutreuil de Rhins được biết vua An Nam muốn có 5 thuyền trưởng để điều khiển thuyền chiến mà Pháp đã tặng.

Ông xin làm một trong những chỉ huy này và được Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chọn. Ngày 20/5/1876, ông theo đoàn khởi hành từ Toulon (Pháp) đến Nam Kỳ. Trong thời gian đợi một tháng để nhận nhiệm vụ, ông đến gặp giáo sư trường Hậu bổ Pétrus Ký để học tiếng Việt. Sau đó, J.L Dutreuil de Rhins được giao chỉ huy tàu Scorpion và ông Dufourcq chỉ huy tàu Estaing để đưa ra Huế.

Tư liệu quý

Trên hành trình này, J.L Dutreuil de Rhins ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, đồng thời khai thác tư liệu về chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa… của Vương quốc An Nam để làm rõ thêm nhiều nội dung.

Việc ghi chép cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ, chân thực và nhất là với nhiều hình vẽ minh họa sắc sảo…, cuốn sách để lại cho chúng ta những tư liệu quý giá phục vụ cho việc nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử – văn hóa của đất nước. Dĩ nhiên, J.L Dutreuil de Rhins có góc nhìn như các nhà thực dân phương Tây khác đối với vùng đất và người dân thuộc địa mà họ tiếp xúc, khám phá và đặt ách thống trị.

Chẳng hạn, J.L Dutreuil de Rhins phân tích về hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu tại Nam Kỳ thời điểm này: “Các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu vào Nam Kỳ là: kim loại, chè, vải (nhất là vải bông Anh), rượu vang và rượu mạnh, đường tinh luyện, thuốc phiện, đồ sứ, đất nung và đồ gốm từ châu Âu và Trung Hoa, dầu, bột, than, thuốc bắc, đồ hộp và thịt muối (từ Trung Hoa và châu Âu), thuốc lá và hầu hết những thứ được người châu Âu sử dụng: nước hoa, nội y, quần áo, sách báo từ Paris…

Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm: gạo, cá khô muối, muối, rau củ khố, bông vải, đường thô, da, lụa thô và tơ sợi, hạt tiêu, dầu, mỡ lợn, hạt cau, dừa, thuốc lá, chàm nhuộm, lông chim, sáp và mật ong, thảo quả, ngà voi, mai rùa…”.

Từ đó, ông kết luận: “Tóm lại, xuất nhập khẩu gần như cân bằng về tải trọng, nhưng giá trị xuất khẩu cao hơn một chút so với giá trị nhập khẩu. Chúng ta có thể ước tính tổng giá trị là 160 triệu (franc), một con số cao hơn giá trị thương mại của hầu hết các thuộc địa của chúng ta”. Thông tin đó cũng cho thấy bản chất khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên của thực dân Pháp tại An Nam.

Bên cạnh những dòng viết về Tourane (Đà Nẵng), Nam Kỳ, trong cuốn sách này, tác giả dành một dung lượng lớn để miêu tả về cố đô Huế và triều đình nhà Nguyễn; phong cảnh và đời sống sinh hoạt, tập tục, văn hóa, trang phục… của quan lại và dân chúng. Qua đó cho chúng ta hình dung về một phần đất nước, con người miền Trung ở cuối thế kỷ 19, bổ sung những kiến thức từ góc nhìn của một nhà du hành phương Tây.

 ANH QUÂN

Phát huy trí tuệ, năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

* Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND thành phố
* Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND thành phố 
* Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (thứ 3, trái sang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 3, phải sang) tặng hoa cho các đồng chí: Nguyễn Nho Trung (thứ 2, phải sang), Huỳnh Đức Thơ (thứ 2, trái sang), Lương Nguyễn Minh Triết (bìa phải), Lê Trung Chinh (bìa trái). Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chiều 9-12, kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành phiên bế mạc. Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh, kỳ họp đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2020. Song cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, làm rõ các nguyên nhân, nhất là việc không đạt một số chỉ tiêu lớn, quan trọng; việc chậm xử lý những vấn đề bức xúc kéo dài trên các lĩnh vực đời sống xã hội và chưa đầu tư đúng mức cho phát triển bền vững…

Đồng thời, kỳ họp cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về những chủ trương, giải pháp mang tính định hướng phát triển bền vững cho thành phố trong thời gian đến; đi sâu, phân tích kỹ và thông qua Nghị quyết nhiệm vụ năm 2021 với những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể, căn cơ, phù hợp trên tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ. Chủ tọa kỳ họp Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Đà Nẵng cũng sẽ kế thừa truyền thống anh hùng, thành quả của quá khứ, đồng hành, ủng hộ chính quyền, đoàn kết, đồng thuận quyết tâm vươn lên, xây dựng thành phố giàu đẹp, đáng sống.

Ông Nguyễn Nho Trung bày tỏ tin tưởng với đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ kế thừa, đứng đầu 3 chức danh mới: Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, với tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình sẽ đoàn kết, kề vai sát cánh, phát huy trí tuệ, năng lực lãnh đạo, điều hành triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ nghị quyết của HĐND thành phố đã đề ra.

“Tôi tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND thành phố, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND thành phố sẽ luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, xứng đáng là cơ quan quyền lực tại địa phương, thực sự là những đại biểu của nhân dân, tiếp tục đồng hành cùng UBND thành phố trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng khôi phục kinh tế thành phố, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu các chức danh tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Trước đó, sáng cùng ngày, phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung tại kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá thành phố đã vượt qua một giai đoạn đầy biến động về nội bộ và dịch bệnh nghiêm trọng. Một giai đoạn oằn mình, vừa đấu tranh, vừa sửa sai, vừa tập trung tháo gỡ bộn bề những khó khăn, vướng mắc chưa hề có tiền lệ. Với nỗ lực vượt bậc, đến nay mọi việc đi dần vào ổn định hơn, từ bộ máy tổ chức, cơ chế vận hành, đến cách thức điều hành, ý thức và nền nếp của cán bộ, công chức đã được định hình rõ nét. Thành phố đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc về đất đai, nguồn lực đầu tư bắt đầu giải phóng; tìm ra cách giải quyết nhiều vấn đề do lịch sử để lại, biết cách đi nhanh hơn nhưng hạn chế vướng vào các sai phạm. “Kết quả này cũng được xem là thành tích lớn của chúng ta trong nhiệm kỳ này”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định.

Nhận định về kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố về phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng đây là năm mà nền kinh tế thành phố chịu đựng tổn thương nặng nề nhất, một năm khủng hoảng nghiêm trọng, đã làm thay đổi chóng vánh kết quả tích lũy cả một nhiệm kỳ. Việc sụt giảm GRDP 9,77% đã kéo lùi quy mô kinh tế thành phố trở về 3 năm trước. Do đó, năm 2021, thành phố cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cải cách, làm cho cải cách đi vào thực chất, đặc biệt là cải cách hành chính và công tác cán bộ.

Kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua 30 Nghị quyết, gồm 16 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Kinh tế – Ngân sách và Đô thị; 13 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Văn hóa – Xã hội và Pháp chế; Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2021.

Trong phiên họp buổi chiều, HĐND thành phố đã giới thiệu và bầu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, đại biểu HĐND thành phố, giữ chức vụ Chủ tịch HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021; bầu ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, đại biểu HĐND thành phố, giữ chức Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021; bầu ông Lê Quang Nam, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, đại biểu HĐND thành phố giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tân Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định sẽ phát huy những thành quả quan trọng mà HĐND thành phố đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời đoàn kết, nỗ lực cao nhất trong công việc để hoàn thành trọng trách HĐND thành phố tin tưởng giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân thành phố. Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, Phó Bí thư Thành ủy, tân Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định sẽ nỗ lực phấn đấu, kế thừa, phát huy kết quả thành phố đạt được; cùng tập thể lãnh đạo UBND thành phố tập trung thực hiện hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra.

Kỳ họp đã tiến hành bầu chức danh Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương. Trước đó, HĐND thành phố đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Nho Trung; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thành phố đối với ông Huỳnh Đức Thơ; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố đối với ông Trần Văn Miên; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với các ông: Trần Phước Sơn, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; Lê Tùng Lâm, Bí thư Quận ủy Thanh Khê.

ĐẶNG NỞ – TRỌNG HUY

Theo: baodanang.vn

“Mạch nước trong”: Nơi hội tụ danh sĩ Quảng Nam

Cùng với một lượng lớn tư liệu thơ văn và các loại trước tác của nhiều danh sĩ được đưa vào một cách khéo léo, Vĩnh Quyền đã tạo nên bề sâu đáng kể cho một tiểu thuyết lịch sử có dung lượng vừa phải như “Mạch nước trong”.

Bìa tiểu thuyết “Mạch nước trong”.

 Suốt thời gian khá dài, tư liệu, tác phẩm văn học viết về các phong trào yêu nước thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 diễn ra trên các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam – Đà Nẵng khá nghèo nàn. Vì thế, tiểu thuyết lịch sử “Vầng trăng ban ngày” của Vĩnh Quyền xuất hiện năm 1984 khiến dư luận rất chú ý. Vốn kiến thức quý giá từ những năm học đại học sư phạm (và đại học văn khoa) ban Việt Hán cùng niềm say mê nghiên cứu và dịch văn thơ, tư liệu Hán Nôm đã giúp nhiều cho Vĩnh Quyền trong việc viết tiểu thuyết lịch sử về vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Hai năm sau, “Mạch nước trong”, tiểu thuyết viết về Trần Quý Cáp và những người cùng thời của ông ra đời. Đó là một nỗ lực đáng khâm phục của Vĩnh Quyền. Hơn thế nữa, Vĩnh Quyền đã sớm khắc phục nhiều nhược điểm mà nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã chỉ ra: “Tư liệu dồi dào hơn “Vầng trăng ban ngày”, tránh nhược điểm “làm văn chương” và hình như Vĩnh Quyền cũng dành cho tiểu thuyết này nhiều thời gian, công sức hơn”.

Thực hành tư tưởng duy tân

Nhân vật chính của “Mạch nước trong” là Trần Quý Cáp. Không chỉ dừng lại ở đó, nhân vật Trần Quý Cáp được “phục dựng” để trở thành tâm điểm của sự kết nối các trào lưu yêu nước thời ấy. Đồng thời lại là sự kết nối của các danh sĩ lừng lẫy một thời: từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đến những người gắn bó phong trào yêu nước vùng Thuận Quảng như: Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Tiểu La Nguyễn Thành, Lê Bá Trinh, Mai Dị, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài v.v.

Tư tưởng của Trần Quý Cáp giống nhiều nhà nho thức thời khác, không chịu nghe theo cách học từ chương khoa cử lạc hậu với mục đích thi đỗ rồi ra làm quan. Đã có sự thay đổi khi Trần Quý Cáp gặp quan đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, người yêu thương Trần Quý Cáp hết mực và là người đổi tên gọi từ Trần Nghị sang Trần Quý Cáp. Trần Quý Cáp thi lần nào cũng hỏng nhưng tâm ý ông khác với mọi người. Sau này, trong một lần về kinh ứng thí ông đã gặp Phan Bội Châu. Cụ Phan Sào Nam khuyên ông: “Không chỉ chán ngán (lối học hư văn và cách chọn người qua khoa cử lạc hậu) mà chúng ta còn phải chống lại lối học mục ruỗng này. Muốn vậy, anh phải thi đỗ. Đỗ càng cao càng tốt. Nếu không, người ta bảo anh vì thi mãi không đỗ mà đem lòng bất mãn” (trang 97, 98). Ông đã nghe theo và đã đỗ tiến sĩ đầu bảng khoa thi ấy, hơn nữa, bài phú “Trúc thất Hoành Sơn phú” còn được tấn lãm, dù rằng theo ông nhiều người vẫn không thấu hiểu hết những ý tưởng ông gửi gắm trong đó. Như thế, từ sự thức thời qua việc đọc các tân thư, từ việc phản đối kiểu khoa cử hư danh một cách cực đoan đến thực hành tư tưởng Duy tân qua mọi việc là một bước tiến khá dài trong hành trạng của Trần Quý Cáp.

Bản đồ đường đi qua tỉnh Quảng Nam xưa trong sách “Quảng Thuận đạo sử tập”. (ảnh minh họa)

Hạnh ngộ

Hầu hết sự kiện lịch sử giai đoạn ấy đã thể hiện qua “Mạch nước trong”. Từ sự kiện kinh thành thất thủ 1885 đến cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hội Quảng Nam khởi sự từ Trần Văn Dư sau đó là Nguyễn Duy Hiệu.  Và khá nhiều sự kiện khác xảy ra trong những năm tháng đặc biệt sau khi kinh thành Huế thất thủ.

Sau khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thất bại, nhờ Nguyễn Duy Hiệu đứng ra nhận hết tội nên tán tương quân vụ Tiểu La Nguyễn Thành được Pháp tha và về mở trang trại Nam Thịnh chuẩn bị các đều kiện cho một cuộc đấu tranh mới.  Cuộc gặp gỡ với Tiểu La Nguyễn Thành ở trại Nam Thịnh đã giúp Trần Quý Cáp nhận ra rõ hơn tình hình thời cuộc và có cách ứng xử thích hợp. Đó là cuộc gặp thú vị giữa hai danh sĩ Quảng Nam: một văn, một võ danh tiếng một thời.

Cuộc gặp gỡ với Phan Bội Châu, ngoài chuyện trao đổi, bàn bạc về thơ văn họ còn trao đổi về thời cuộc, về các loại tân thư. Từ cuộc gặp này Trần Quý Cáp có điều kiện tiếp nhận nhiều loại tân thư mà khi ở quê nhà ông không có điều kiện để đọc. Họ bàn về thơ của vua Thành Thái, cảm nhận về tấm lòng của nhà vua yêu nước. Về “Bản điều trần” của Nguyễn Trường Tộ hay “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch… Ở đây, Trần Quý Cáp tiếp nhận “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” và càng hiệu rõ về con đường mưu cầu việc lớn của Phan Sào Nam. Cũng ở đây, Trần Qúy Cáp giới thiệu cho cụ Sào Nam một nơi đặt đại bản doanh để dấy lên vận hội mới nhằm cứu vớt nước nhà: Quảng Nam. Với lý do thật thuyết phục: “Quảng Nam đất rộng giàu, lại nhiều nhân vật yêu nước có tài thao lược. Quảng Nam ở trung độ cả nước, dễ liên lạc. Muốn phát triển mối giao lưu vạn quốc cũng thuận tiện vì có cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng.” (trang 98). Lại còn gợi ý, người cần gặp là Tiểu La, bởi “con người này có thể gánh vác việc lớn”.

Tương tự, cuộc gặp gỡ với Tây Hồ Phan Châu Trinh ghi lại nhiều điều thú vị. Phải chăng, với Trần Quý Cáp xu hướng nào không quan trọng, miễn là đạt được mục đích cứu nước cứu dân? Một đoạn đối đáp giữa hai người nói lên điều ấy:

Tây Hồ: Tôi với Sào Nam có chung mục đích. Nhưng cách thức, chủ trương hành động mỗi người mỗi khác. Có điều chớ thấy tôi chưa nghĩ đến võ bị mà vội cho tôi bất bạo động. Cũng chớ thấy Sào Nam tính chuyện cầu Nhật Bản mà bảo anh ấy “tiền môn cự hổ, hậu môn nghinh lang” – cửa trước đuổi cọp, cửa sau rước sói. Sào Nam từng nói với tôi “tự trợ giả thiên thường trợ”, mình tự giúp mình trời mới giúp mình.

Quý Cáp: Tôi nghĩ, trước hết chúng ta phải tính chuyện Duy tân trong nước, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Mặt khác, nên ủng hộ chương trình Đông du của Sào Nam. Nền học vấn ta hiện bị cái bã khoa cử, cái chính sách của thằng Tây kìm hãm, không kinh luân nổi việc nước, việc đời nên phải đi cầu cứu nước ngoài. Việc võ bị cần thiết để đánh thằng Tây nhưng bây giờ chưa phải lúc. Người Nhật có phát binh tương trợ hay không là tùy thuộc vào tình hình cả thế giới, chớ vội tin dựa sớm (trang 126).

Cộng hưởng

Một cuộc hội ngộ ngoạn mục khác là trận khuấy đảo trường thi Bình Định của Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Trần Quý Cáp và Tây Hồ đóng giả làm sĩ tử với quyển nộp gồm bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh Sơn lương ngọc” ký tên Đào Mộng Giác đã làm xôn xao cả trường thi và làm thức tỉnh bao sĩ tử nhằm “từ bỏ cái học từ chương vô bổ, con đường xuất thân bằng khoa cử lạc hậu và khơi dậy trong lòng mọi người nỗi nhục mất nước.”

Đó là cuộc gặp gỡ của những người Quảng Nam cùng  chung chí hướng: Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài… trong việc mở ra nông trại ở Cờ Vĩ, Cẩm Nê hay lập ra nông hội ở Cẩm Nê, mở hợp thương ở Phong Thử, thương cuộc Hội An, mở các trường Diên Phong, Bảo An, La Châu… Thương cuộc thì tranh với người Tàu, trường học thì mạnh dạn đưa tân học vào nhà trường nhằm nhanh chóng khai dân trí…

Để hạn chế ảnh hưởng của Trần Quý Cáp ở thành tỉnh, bọn quan lại Nam triều chuyển Trần Quý Cáp về làm giáo thọ phủ Thăng. Ở đây, ông đã giúp đỡ Lê Cơ mở trường tân học ở Phú Lâm và trực tiếp tham gia giảng dạy. Trường Phú Lâm đã mở ra một không khí thực học mới cho cả vùng Quảng Nam.

Năm 1904, dân Quảng Nam nổi dậy cự sưu. Lúc này, Trần Quý Cáp đã bị bổ vào Khánh Hòa nhằm cách ly với phong trào ở Quảng Nam. Từ mối thâm thù có sẵn hồi Trần Quý Cáp còn là học trò trường đốc Quảng Nam, bố chánh Nguyễn Mại tìm cách trả thù Trần Quý Cáp. Từ bức thư của cử Duyện gửi cho Trần Quý Cáp bị lọt vào tay quyền tri huyện Phan Bá Hoành, chuyển lên Nguyễn Mại rồi qua án sát Phạm Ngọc Quát, công sứ Bréda ở Khánh Hòa. Cộng thêm lá thư Trần Quý Cáp gửi cử Duyện bị chúng thu được và tri phủ Điện Bàn đã chuyển vào cho Nguyễn Mại trước đó, chúng quyết định xử tội Trần Quý Cáp. Nhưng chẳng có căn cứ xác đáng nào để kết tội ông ngoài tấm địa đồ thế giới, cuốn sách “Hải ngoại huyết thư”, thư của ông và cử Duyện gửi cho nhau thêm lời buộc tội: Cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, mưu ra nước ngoài…(?). Mặc kệ, một cái án “mạc tu hữu” (án không cần luận tội) “tuy hiện trạng phản loạn chưa thành hình nhưng rõ đã nuôi cái tâm phản nghịch” vẫn gieo xuống đời ông. Ông đã ngã xuống sau những lời khinh mạn: “Ta không nói chuyện luật pháp với các ngươi. Đó là thứ luật pháp của bọn cường quyền. Nhưng ta nói cho các ngươi hay, dân ta đã qua thời mắt đui, tai điếc. Dân đã biết quyền dân rồi. Sớm muộn các ngươi sẽ chung số phận lãnh Điềm, đốc Tuệ. Cái ngày trả món nợ thằng Tây xâm lăng cũng không xa nữa đâu”(trang 237). Năm ấy, ông mới ba mươi tám tuổi!

 LÊ TRÂM

Theo: baoquangnam.vn

Công bố các Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ

Ngày 16-11, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đến dự và tặng hoa chúc mừng. Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết. 

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định phân công, điều động đồng chí Trần Thắng Lợi, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy đến nhận công tác tại quận Sơn Trà, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức danh Bí thư Quận ủy Sơn Trà nhiệm kỳ 2020-2025; phân công đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Thành ủy viên, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy phụ trách Văn phòng Thành ủy cho đến khi kiện toàn chức danh Chánh Văn phòng Thành ủy.

Đồng chí Huỳnh Thị Tam Thanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 được điều động đến nhận công tác tại Văn phòng Thành ủy và bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thành ủy.

Cùng trong sáng 16-11, Ban Thường vụ Thành ủy công bố quyết định phân công cấp ủy viên đối với đồng chí Trần Thị Thanh Tâm, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Sơn Trà. Theo đó, đồng chí Trần Thị Thanh Tâm thôi giữ chức danh Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Sơn Trà, được phân công, điều động đến nhận công tác tại UBND thành phố để Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thôi giữ chức Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, được phân công, điều động đến nhận công tác tại quận Hải Châu, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức danh Bí thư Quận ủy Hải Châu. nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Trần Phước Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được phân công, điều động đến nhận công tác tại quận Liên Chiểu, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức Bí thư Quận ủy Liên Chiểu nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Khê thôi giữ chức Bí thư Quận ủy Thanh Khê, được điều động đến nhận công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và chỉ định giữ chức Bí thư Đảng Đoàn Ủy ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2019-2024; được giới thiệu để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố bầu giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2019-2024.

Ban Tổ chức Thành ủy cũng công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về điều động đồng chí Lê Tùng Lâm, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng đến nhận công tác tại quận Thanh Khê, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức Bí thư Quận ủy Thanh Khê,

nhiệm kỳ 2020-2025.


Phát biểu giao nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết chúc mừng các đồng chí nhận nhiệm vụ mới; đồng thời bày tỏ tin tưởng, trên cương vị công tác mới, từng đồng chí tiếp tục phát huy hết khả năng, kinh nghiệm của bản thân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

* Sáng cùng ngày, UBND thành phố công bố quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chánh Văn phòng Sở Công Thương giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương, thời hạn 5 năm.

ĐẶNG NỞ – TRỌNG HÙNG

Theo: baodanang.vn

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG- Đồng chí Nguyễn Văn Quảng được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Sáng nay (22-10) Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã công bố kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XXII. Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XXI được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Các đồng chí: Lương Nguyễn Minh Triết, Lê Trung Chinh được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy.

https://baodanang.vn/dataimages/202010/original/images1585605_ANH_QUANG_44.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. ẢNH: VĂN NỞ

Theo công bố, kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XXII đã bầu 14 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy gồm các đồng chí:

Nguyễn Văn Quảng (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XXI); Lương Nguyễn Minh Triết (Bí thư Quận ủy Hải Châu), Lê Trung Chinh (Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố), Nguyễn Thanh Quang (Trưởng ban Dân vận Thành ủy khóa XXI), Lê Thị Mỹ Hạnh (Trưởng ban Nội chính Thành ủy khóa XXI), Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND thành phố),

Vũ Xuân Viên (Giám đốc Công an thành phố), Nguyễn Quốc Hương (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố), Lê Minh Trung (Phó Chủ tịch HĐND thành phố), Võ Công Chánh (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy khóa XXI), Nguyễn Đình Vĩnh (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XXI), Đoàn Ngọc Hùng Anh (Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố), Ngô Xuân Thắng (Bí thư Quận ủy Thanh Khê), Vũ Quang Hùng (Bí thư Quận ủy Liên Chiểu).

https://baodanang.vn/dataimages/202010/original/images1585603_Th__ng_moi_DT.jpg
Đồng chí Võ Văn Thương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy khóa XXI công bố kết quả phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII. ẢNH: VĂN NỞ

Hội nghị đã bầu Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy khóa XXII gồm 10 đồng chí. Đồng chí Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy khóa XXI được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Khóa XXII; các Ủy viên gồm:

Mai Thị Ánh Hồng, Thành ủy viên làm Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Thành ủy khóa XXI; Lương Công Tuấn, Chánh Thanh tra thành phố; Lê Đình Cường, Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy khóa XXI; Trần Văn Đông, Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy khóa XXI; Phan Văn Quang, Ủy viên UBKT Thành ủy khóa XXI; Trà Duy Hải, Ủy viên UBKT Thành ủy khóa XXI; Phạm Đình Quang, Ủy viên UBKT Thành ủy khóa XXI; Phạm Thị Đỗ Quyên, Ủy viên UBKT Thành ủy khóa XXI; Lương Thị Ngọc, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 3, Ủy viên UBKT Thành ủy khóa XXI.

Trước đó, vào phiên làm việc chiều ngày 21-10, Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã thông qua Đề án nhân sự Ban Chấp hành khóa XXII với số lượng 58 đại biểu được giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành với 51 đại biểu trúng cử. Đại hội đã tiến hành bầu cử và công bố kết quả bầu được 51 Ủy viên Ban chấp hành khóa XXII đúng số lượng mà Đại hội đã thông qua.

Theo chương trình, Đại hội tiếp tục thảo luận. Trong phiên làm việc sáng nay, Đại hội sẽ bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

SƠN TRUNG-TRỌNG HÙNG

(Nguồn: https://baodanang.vn/dai-hoi-Dang/202010/dong-chi-nguyen-van-quang-duoc-bau-lam-bi-thu-thanh-uy-da-nang-3861968/?fbclid=IwAR2GBaW-bFCydKciYJT8A-xojP9o-7GDaF8DD7Ig7MOLmA5AbxNnRJj3Fm4 )

KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, NHIỆM KỲ 2020-2025

ĐNO – Sáng nay (21-10), Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc tại hội trường Trường Chính trị thành phố với sự tham dự của 349 đại biểu đại diện cho hơn 6 vạn đảng viên toàn Đảng bộ thành phố. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Đến dự Đại hội còn có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;  Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Quang cảnh Đại hội. ẢNH: ĐẶNG NỞ

Về phía Đà Nẵng, có các đồng chí: Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.

Dự Đại hội còn có các đại biểu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư, Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ; các đồng chí đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố…

Chủ đề đại hội và đồng thời cũng là mục tiêu, động lực phấn đấu của thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố (Xem toàn văn nội dung phát biểu khai mạc tại đây).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phốTrương Quang Nghĩa phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, đặc biệt là Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội 13 của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới; hơn 01 năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nhất là tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố; đến cuối tháng 7/2020, đã có 530/530 đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở và 16/16 đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã hoàn thành việc tổ chức đại hội, đạt kết quả theo yêu cầu đề ra.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, thành phố đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương. Đặc biệt, sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố, đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 21 Đảng bộ thành phố đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nội bộ đoàn kết, thống nhất; công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy trình, chất lượng nhân sự, đảm bảo tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ giúp diện mạo đô thị thành phố tiếp tục thay đổi nhanh, phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng đến phục vụ tốt hơn lợi ích của người dân và hài hòa với sự phát triển của doanh nghiệp. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Văn hóa – xã hội, xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng đạt được nhiều tiến bộ.

Đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội. ẢNH: VĂN NỞ

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Các văn kiện trên có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến.

Những kết quả đạt được nêu trên rất đáng trân quý và tự hào khi đặt trong bối cảnh thực tiễn của thành phố thời gian qua có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, mà ở đó là sự chung sức, đồng lòng của người dân trong những thời điểm khó khăn nhất. Qua đó, đã chứng minh khát vọng vươn lên của người dân thành phố với niềm tự hào về quê hương Đà Nẵng anh hùng, luôn “kề vai, sát cánh” cùng Đảng bộ, chính quyền, đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương vì sự phát triển chung của thành phố.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm qua còn có những hạn chế, bất cập trên một số lĩnh vực và tiếp tục phát sinh nhiều “điểm nghẽn” mà thành phố cần phải vượt qua để tiếp tục phát triển. Những vấn đề này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chỉ ra trong các văn kiện trình Đại hội. Văn kiện còn là sự quan tâm trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương, vì vậy, chúng ta cần khách quan nhìn nhận, nói đúng, nói đủ sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình, nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá toàn diện các kết quả đạt được của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ qua.

Với phương châm Đoàn kết – Kỷ cương – Nêu gương – Hành động và trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân thành phố, Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện các mặt công tác trong nhiệm kỳ qua, để thấy hết những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; đồng thời, phân tích kỹ những cơ hội, thuận lợi, thời cơ và thách thức tác động đến sự phát triển của thành phố trong thời gian đến để hiến kế, đề xuất các giải pháp sát hợp với tình hình nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố đề ra. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ mới gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có đủ năng lực để lãnh đạo mọi hoạt động của Đảng bộ; đồng thời, bầu đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ 13 của Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, đóng góp vào sự thành công chung Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Với những nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng, là thời điểm kiện toàn và chuyển giao, định hướng và động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn của thành phố trong tương lai.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Báo cáo Thẩm tra tư cách đại biểu do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Huỳnh Thị Tam Thanh trình bày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảngtrình bày tóm tắt Báo cáo chính trị tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành vào thời điểm đất nước trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 23 năm thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ thành phố, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những hạn chế nội tại ở đầu nhiệm kỳ và dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, khó lường ở năm cuối của nhiệm kỳ, đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và đời sống nhân dân thành phố.

Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với truyền thống cách mạng kiên cường, đã đoàn kết, bản lĩnh, vượt qua khó khăn; khắc phục những tồn tại, hạn chế, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng thực hiện toàn diện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đặc biệt, đã nghiêm túc khắc phục các sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận kiểm tra, thanh tra của Trung ương. Từ đó, công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức có nhiều chuyển biến tích cực. Đã nghiêm túc triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều đổi mới, trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch được thực hiện kịp thời.

Tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng về chất lượng, không chạy theo số lượng. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện nghiêm túc, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác cán bộ được chú trọng thực hiện, nhất là tập trung rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ; ban hành và triển khai các đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố; phát triển và tạo nguồn cán bộ các cấp, đặc biệt là các đề án về cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và nâng cao chất lượng, tập trung vào các vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm; gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với trách nhiệm người đứng đầu.

Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt. Nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp được tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Đặc biệt, thông qua việc xử lý các vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng, trong đó có trách nhiệm của một số cán bộ nguyên lãnh đạo thành phố, đã có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi nhiệm vụ.

Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc được đổi mới, bám sát và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng.

Thứ hai, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tham mưu Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các văn kiện trên có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố nhanh và bền vững trong thời gian đến.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh đạt kết quả tích cực. Đến nay, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện có hiệu quả; 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3 và 4. Nhiều năm liền, thành phố giữ vững thứ hạng cao về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách hành chính, Sẵn sàng và ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba, công tác vận động quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai có hiệu quả và trở thành hoạt động thường xuyên. Vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội được phát huy thực hiện tốt. Nhờ đó, đã giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc phát sinh từ cơ sở, tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Thứ tư, kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng phát triển. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2019 là khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 7,5%/năm, gấp 1,5 lần năm 2015; Tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người ước đạt hơn 95 triệu đồng (tương đương gần 4.100 USD), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 21 đề ra. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước giảm 9,3% so với năm 2019, dẫn đến tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 4%/năm.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp – xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng 5,5%/năm, cơ cấu nguồn thu chuyển dịch theo hướng bền vững hơn.

 

Đồ họa: MAI ANH

Thứ năm, thành phố đã tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá về phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 21 đề ra, trong đó:

Việc thực hiện đột phá thứ nhất về phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đạt nhiều kết quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp trở thành sản phẩm du lịch chủ lực; tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Số lượt khách lưu trú tăng trên 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2015-2020 ước tăng 5,2%/năm.

Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc. Thành phố đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; đưa vào hoạt động Khu công nghệ thông tin giai đoạn 1, tiếp tục khởi công Khu công viên phần mềm số 2.

Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, thành phố đã hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu để trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định; ban hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ngành nông nghiệp được tái cơ cấu sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ, phát triển sản phẩm có thế mạnh và đặc trưng địa phương nhằm phục vụ nhu cầu đô thị và du lịch. Giá trị nông nghiệp ước tăng 3,2%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, 12 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu; tỷ lệ che phủ rừng của thành phố hiện nay đạt 47% (cao hơn bình quân cả nước là 42%).

Việc thực hiện đột phá thứ hai về xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ, có trọng điểm. Thành ủy đã ban hành Kết luận số 171 về các dự án mang tính động lực, trọng điểm. Trên cơ sở đó, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được xây dựng, nâng cấp và cải thiện, diện mạo đô thị có bước phát triển mới, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân và vì sự phát triển bền vững của thành phố. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2015-2020 đạt 43.500 tỷ đồng.

Thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường đạt kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm về môi trường, cấp thoát nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên triển khai. Hệ thống cấp nước khu vực đô thị đạt trên 97%, khu vực nông thôn đạt trên 70%; công tác thu gom chất thải rắn trong đô thị đạt trên 95%; diện tích cây xanh đô thị đạt khoảng 7,5 m2/người. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được tập trung xử lý, cải thiện đáng kể.

Việc thực hiện đột phá thứ ba về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bước đầu mang lại hiệu quả, tạo sự chuyển biến về chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những cán bộ được đào tạo đã phát huy năng lực, sở trường, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề được củng cố phát triển, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Quy mô đào tạo nghề vượt kế hoạch với 57.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55%.

Thứ sáu, thành phố thực hiện linh hoạt, đồng bộ các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 3 năm liên tiếp từ 2018 đến 2020, thành phố triển khai có hiệu quả chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”; nhờ đó, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, nhất là sau thành công của các sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Diễn đàn đầu tư 2017, Tọa đàm mùa Xuân 2018, 2019, góp phần quan trọng vào quảng bá hình ảnh thành phố, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2016-2020, đã thu hút được hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; so với năm 2015, số lượng doanh nghiệp tăng gấp hai lần và số vốn tăng gấp ba lần. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 3,7%/năm, riêng năm 2020 ước đạt gần 38 ngàn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015; năm 2020 tỷ trọng vốn đầu tư phát triển chiếm 35% tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn.

Thứ bảy, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được thực hiện hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chủ trương, như: Thông báo số 331 để tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch và cụ thể hóa thực hiện các công trình, dự án được dư luận quan tâm, như: mở đường xuống biển, đầu tư xây dựng một số công viên, điều chỉnh một số dự án được người dân đồng tình, doanh nghiệp ủng hộ, nhằm thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp. Đặc biệt, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030.

Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa – xã hội, xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng đạt nhiều tiến bộ, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân. Nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng, đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở được triển khai theo quy hoạch và bước đầu phát huy hiệu quả hoạt động. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thường niên, góp phần nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh thành phố.

Kế thừa và phát huy thành quả của Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Thành ủy ban hành và triển khai đồng bộ Chương trình “Thành phố 4 an” đạt nhiều kết quả tích cực, hướng đến xây dựng thành phố “đáng sống”. Công tác giảm nghèo theo chuẩn thành phố về đích trước 2 năm giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng chung cư, nhà ở xã hội; kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và ký túc xá sinh viên.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao với nhiều đổi mới trong quản lý, dạy và học. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng; dịch vụ y tế chuyên sâu phát triển với các mô hình bệnh viện vệ tinh, từng bước hội nhập với cả nước và khu vực. Tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ, gắn kết công tác nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh; đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị công nghệ đạt 20%.

Thứ chín, công tác quốc phòng – an ninh được triển khai hiệu quả, giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng”. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố; đã xây dựng được hải đội dân quân thường trực nhằm tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai toàn diện, quyết liệt. Việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến rõ nét. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp được thực hiện có hiệu quả.

Thứ mười, vào năm cuối của nhiệm kỳ, thành phố đã nỗ lực, quyết tâm với nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát thứ 2 vào cuối tháng 7-2020; đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa nỗ lực duy trì, sớm khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và có đủ khả năng duy trì được các hoạt động sản xuất – kinh doanh, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân trong điều kiện bình thường mới.

Đồ họa: MAI ANH

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; quốc phòng – an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2030: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo.


Về 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: 

Thứ nhất, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững. Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.


Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình tại Đại hội.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trình bàyBáo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình tại Đại hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định, Ban Chấp hành Đảng bộ đã dành nhiều thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng Đảng; ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, Thành ủy về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), bước đầu đạt kết quả tích cực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và từng bước phân bổ nguồn lực hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Xuất phát từ tình hình của Đảng bộ thành phố trong nửa đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chú trọng và quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là Thông báo số 292-TB/UBKTTW ngày 21-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Với tinh thần nghiêm túc, không có ngoại lệ, đảm bảo tính công minh, kịp thời, nhân văn nên các kết luận kiểm tra, xử lý kỷ luật đề cao sự đoàn kết, ổn định trong tổ chức đảng, tạo cơ hội sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn đảm bảo tính răn đe, cảnh tỉnh đối với tập thể, cá nhân vi phạm, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đặt trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; thảo luận kỹ lưỡng, đưa ra nhiều chủ trương quan trọng cụ thể hóa 3 đột phá phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội XXI đề ra, thực hiện nhất quán định hướng phát triển thành phố theo hướng bền vững. Ba năm liền 2018-2020, xác định chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” và ban hành nhiều chính sách linh hoạt, thu hút đầu tư chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển; dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tốc độ, chất lượng tăng trưởng của các ngành dịch vụ và công nghiệp.

Căn cứ chủ trương của Thành ủy và xuất phát từ tình hình thực tiễn của thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động đề xuất Thành ủy quyết định nhiều chủ trương lớn và quan trọng; trên cơ sở đó, cụ thể hóa, triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch.  Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội thành phố duy trì được nhịp độ tăng trưởng, hầu hết các ngành, lĩnh vực đảm bảo phát triển đúng định hướng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát từ cuối tháng 7-2020 đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế – xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa duy trì, khôi phục các hoạt động sản xuất, không để kinh tế đứt gãy; đồng thời, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch bệnh.

Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, không ngừng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, giải pháp trong xử lý các vấn đề về quốc phòng, an ninh, nhất là giải quyết vấn đề liên quan đến chủ quyền Biển Đông. Chủ động, tập trung lực lượng giải quyết kịp thời, đảm bảo an ninh trật tự trước những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định và phát triển thành phố, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân. 

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, nhất là tập trung khắc phục những khuyết điểm, sai phạm sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, thực hiện các bản án đã có hiệu lực pháp luật; đặc biệt là năm cuối nhiệm kỳ, thành phố phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vẫn luôn kiên cường, thực sự là một Đảng bộ mạnh, không chùn bước trước khó khăn, vững vàng đi lên, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; từ công tác xây dựng Đảng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội. (Xem toàn văn bài phát biểu tại đây)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bìnhphát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Giai đoạn 2016-2019, kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển, nổi bật trong đó là các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Bước vào năm 2020, trước sự bùng phát và những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Coid-19 nhưng Đà Nẵng vẫn bản lĩnh, sáng tạo, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa nỗ lực duy trì, sớm khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục thực hiện tốt, đảm bảo đồng bộ, có trọng điểm, diện mạo đô thị của thành phố tiếp tục thay đổi nhanh, phát triển theo hướng thân thiện và bền vững.  

Đặc biệt nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thành phố đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là các văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển, tạo động lực để thành phố Đà Nẵng bứt phá đi lên trong thời gian đến. 

“Đà Nẵng là địa bàn chiến lược, có nhiều tiềm năng, lợi thế; là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện với thế giới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện như Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA đã ký kết giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ tác động đến Đà Nẵng trong 5 năm tới trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, thành phố cần chủ động dự báo hết các tình huống để chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp, kể cả trong tình huống xấu nhất, có giải pháp sát hợp với tình hình, kịp thời khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế; đồng thời cũng hạn chế được những tác động bất lợi để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ mang tính khả thi, phù hợp với tình hình và điều kiện của thành phố”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nhị Đảng bộ thành phố quán triệt và xác định công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ đến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực sự khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đà Nẵng phải có khát vọng đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng. Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội đề ra.

Đảng bộ cần tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển. Coi trọng phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phải tiến hành hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế.

Đà Nẵng cần chú trọng đầu tư cho giáo dục – đào tạo và y tế, không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà nơi đây phải là trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe hàng đầu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên; trước mắt, phối hợp tiến hành xây dựng và sớm đưa dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng vào hoạt động; sớm nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng hệ thống y tế của thành phố; nâng cao năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị các loại dịch bệnh mới.

Đà Nẵng là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh của cả nước. Vì vậy, cần tập trung giữ vững quốc phòng – an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; theo dõi, nắm chắc tình hình, quản lý thật tốt địa bàn, hoạt động của người nước ngoài, không để bị động, bất ngờ, phát hiện xử lý vấn đề nhạy cảm, kịp thời, không để phát sinh điểm nóng.

Song song đó, thành phố cần tiếp tục củng cố mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan Trung ương và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng, đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, phải đưa 02 Nghị quyết này đi vào đời sống một cách thực chất và hiệu quả nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu dự đại hội nghiên cứu, bám sát Đề án nhân sự đã được Bộ Chính trị phê duyệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, sáng suốt lựa chọn để bầu những đồng chí thật sự tiêu biểu về trí tuệ, năng lực, phẩm chất, uy tín, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào Ban Chấp hành để lãnh đạo Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới và vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

“Với tình cảm đối với đồng bào, đồng chí quê hương Đà Nẵng anh hùng, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn kiên cường, bản lĩnh, vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đề ra, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn, đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; phát triển nhanh, mạnh hơn, vững chắc hơn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

( Nguồn: https://baodanang.vn/dai-hoi-Dang/Multimedia-dai-hoi/202010/khai-mac-trong-the-dai-hoi-dai-bieu-lan-thu-xxii-dang-bo-thanh-pho-da-nang-3851961/?fbclid=IwAR3e5TIDJMDNv3s7_Q9HAPVx3EcfwQIqBno98ltqo-sc2LZ_6wxrYNhiP-Y )

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

HÔM NAY 21-10, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XXII, ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG CHÍNH THỨC KHAI MẠC

Sáng nay (21-10), tại Trường Chính trị thành phố, Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.

Tham dự Đại hội có 349 đại biểu đại diện cho gần 60.000 đảng viên đến từ 16 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: “Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu lần thứ XXII, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VĂN NỞ

Theo chương trình, buổi sáng, đại biểu nghe Thường trực Thành ủy trình bày diễn văn khai mạc, Báo cáo chính trị trình Đại hội, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, Báo cáo tổng hợp góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, phát biểu của lãnh đạo Trung ương chỉ đạo Đại hội, thảo luận góp ý Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI. Buổi chiều, Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII và lấy phiếu giới thiệu chức danh Bí thư Thành ủy khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước đó, chiều ngày 20-10, Đại hội đã tiến hành phiên trù bị. Dự phiên trù bị có các đồng chí: Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND thành phố; Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đại biểu dự đại hội và đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương.
Tại phiên trù bị, Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 11 thành viên, Đoàn Thư ký Đại hội gồm 3 thành viên, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội gồm 7 thành viên, thông qua Chương trình Đại hội chính thức, Nội quy, Quy chế Đại hội; nghe phổ biến một số nội dung về Quy chế bầu cử trong Đảng, Báo cáo quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội, dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và thông báo phân tổ đại biểu, địa điểm thảo luận tổ đại biểu.

Phát biểu tại phiên trù bị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá phiên trù bị hết sức quan trọng để chuẩn bị chu đáo cho thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa biểu dương sự nỗ lực của các Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ và các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy đã tích cực chuẩn bị công tác Đại hội trong suốt thời gian qua.

Sau phiên trù bị, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thông tin về tình hình mưa lũ gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Đại hội phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố ủng hộ kinh phí, vật chất chia sẻ giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống; giao Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì tiếp nhận và hỗ trợ các địa phương.

Trước mắt, thành phố quyết định trích nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai ủng hộ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 2 tỷ đồng. Trước đó, thành phố đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 12 tỷ đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế 2 tỷ đồng để khắc phục do bão số 5 gây ra. Thành phố cũng đã hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) với số tiền 500 triệu đồng.

Bí Thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương dừng tất cả các hoạt động, sự kiện chưa cần thiết trong thời điểm hiện nay, trong đó có các chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và các hoạt động khác; dành nguồn kinh phí này để ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. Sau khi kết thúc phiên Đại hội trù bị, các đại biểu đã trực tiếp ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền hơn 143 triệu đồng.
Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm thành phố.

SƠN TRUNG-TRỌNG HÙNG